“Không thể giao quyền cho các trường tự chọn sữa học đường vì không đủ năng lực”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Trước những thắc mắc của phụ huynh về chất lượng, đơn vị cung cấp sữa học đường, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết trên Báo Dân Trí, Viện Dinh dưỡng sẽ quyết định các thành phần trong sữa; Sở Y tế chịu trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; Sở Giáo dục sẽ quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống.
Thông tin về Đề án sữa học đường được phát đến các trường ở Hà Nội. (Ảnh: Dân Trí) |
Các trường sẽ không được quyết định loại sữa học đường bởi không đủ năng lực và chương trình cần có tính thống nhất. Sữa sẽ được Bộ Y tế đặt hàng riêng, không phải chọn ngẫu nhiên. Các thành phần được cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng để phụ huynh kiểm tra.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam, Bộ Y tế chưa ban hành tiêu chuẩn cho sản phẩm sữa học đường. Viện Dinh dưỡng chỉ được giao nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ em, không có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn cho sữa học đường.
Hiện nay, các trường học vẫn thực hiện khảo sát năng lực thực hiện chương trình. Nếu tỷ lệ phụ huynh đăng ký chỉ khoảng 50%, đề án sẽ được triển khai.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh thắc mắc về giá cả, chất lượng sữa… nhiều phụ huynh nhận định khó có thể áp dụng sữa “đồng phục” cho tất cả học sinh, bởi mỗi một trẻ lại có một thể trạng khác nhau. Trẻ béo cần thực phẩm bớt calo và chất béo, ngược lại trẻ suy dinh dưỡng lại cần bổ sung, trẻ có thể bị dị ứng với từng dòng sữa.
Về vấn về này, TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay trẻ em thành phố có tỉ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. Sữa không tăng thêm năng lượng, học sinh bị béo phì mà sẽ bổ sung các vi chất để tăng chiều cao, bổ sung chất đúng như kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày. “Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm. Trẻ thừa cân béo phì vẫn cần canxi và thừa cân béo phì không phải do sữa mà do chế độ ăn uống”, bà Nhung nói.
Trang Vũ (tổng hợp)