Theo nguồn tin của chúng tôi, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu 92,88% CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Đây là công ty sở hữu 33,4% vốn tại Vingroup. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của ông Vượng tại Vingroup lên tới hơn 60%.
Trong cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Vingroup hiện nay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng trực tiếp nắm gần 724 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 27,4% vốn và là cổ đông lớn thứ 2 của tập đoàn.
Cổ đông lớn nhất của Vingroup là một doanh nghiệp khá kín tiếng, có tên là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu của công ty này tại Vingroup là 33,4%, tương ứng với hơn 880 triệu cổ phiếu.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam được thành lập từ tháng 11/2007, ngành nghề kinh doanh chính là Kinh doanh bất động sản. Cuối năm 2016, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam đã sáp nhập 3 doanh nghiệp và tăng vốn điều lệ lên 11.233 tỷ đồng, đồng thời nâng lượng cổ phiếu VIC từ 308 triệu lên 880 triệu và trở thành cổ đông lớn nhất của Vingroup suốt từ đó tới nay.
Theo nguồn tin của chúng tôi, tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu tới 92,88% vốn điều lệ.
Với tỷ lệ sở hữu này, có thể coi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm quyền chi phối toàn bộ Tập đoàn Đầu tư Việt Nam và cả 880 triệu cổ phiếu VIC mà Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sở hữu. Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu VIC mà ông Vượng đang có trong tay là hơn 1,6 tỷ cổ phiếu, chiếm hơn 60% vốn Vingroup.
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 13/11, cổ phiếu VIC đóng cửa tại 68.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, lượng cổ phiếu VIC mà ông Phạm Nhật Vượng sở hữu trị giá tới 109 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 4,8 tỷ USD.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Forbes, khối tài sản của ông Vượng đang có giá trị 3,7 tỷ USD. Ông Vượng đứng thứ 599 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, cao hơn cả tỷ phú Mỹ Donald Trump.
So với thời điểm Forbes công bố bảng xếp hạng các tỷ phú trên thế giới hồi tháng 3/2017, tổng tài sản của ông chủ Vingroup đã tăng khoảng 1,3 tỷ USD và tăng 268 bậc. Nắm giữ trực tiếp và gián tiếp hai mã cổ phiếu hot trên sàn hiện nay là VIC và VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail, ông Phạm Nhật Vượng đang trải quả những ngày "hái quả ngọt".
Cổ phiếu VIC đã tăng gần 50% trong 6 tháng gần đây, gần chạm 70.000 đồng/cổ phiếu - mức cao chưa từng có trong lịch sử. Đà tăng giá được nối tiếp khi 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail - một thành viên của Tập đoàn Vingroup đã chính thức niêm yết trên sàn TP HCM từ 6/11/2017.
Vincom Retail là doanh nghiệp vận hành trung tâm thương mại đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Hiện cổ đông lớn của Vincom Retail bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Hà Nội - những công ty này đều mang dấu ấn của ông Phạm Nhật Vượng.
Ngay sau khi chào sàn, Vincom Retail đã tạo nên phiên chấn động với quy mô giao dịch đạt 743 triệu USD, tương đương hơn 17.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối lượng đặt mua lớn gấp 3 lần khối lượng chào bán, tương đương hơn 2 tỷ USD. Đây là khối lượng đặt mua cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay.
Đến cuối tháng 9/2017, Vincom Retail đang quản lý, vận hành và cho thuê 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh và thành phố lớn của cả nước với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hơn 1,1 triệu m2, chiếm 60% thị phần trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng bán lẻ trên cả nước.
Bên cạnh đó, Vincom Retail còn có 72 dự án đang và sắp triển khai trên toàn quốc. Trong đó, từ nay đến hết năm 2018, công ty tiếp tục mở thêm trên 30 TTTM tại các địa bàn mới, hướng tới mục tiêu đạt 200 TTTM vào năm 2021.
Về phía Vingroup, báo cáo tài chính của Tập đoàn này công bố tháng 10/2017 cho biết, 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 57.166 tỷ đồng Doanh thu thuần, tăng 65% so với mức 34.655 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 8% lên 4.928 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2017, tổng tài sản Vingroup đạt 204.938 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 49.718 tỷ đồng.