Mùa hè này, trong khi 70.000 hộ dân phía Tây thành phố nơm nớp lo bị mất nước sạch sinh hoạt vì vỡ đường ống nước sông Đà thì hàng nghìn hộ dân khác cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong những ngày cao điểm.
Nội thành còn thiếu nước
Mới đi vào vận hành được vài năm nhưng đường ống nước sông Đà liên tục gặp sự cố vỡ đường ống khiến gần 70.000 hộ dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai... liên tục rơi vào cảnh mất nước sinh hoạt. Đáng chú ý, tần suất xảy ra vỡ đường ống trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 khá dày làm người dân rất lo lắng khi mùa hè đã tới. “Mùa đông bị cắt nước đã khổ, mùa hè còn kinh khủng hơn. Nếu lại vỡ đường ống thì chỉ còn cách mang con về nhà ông bà tạm trú vài ngày...” – anh Nguyễn Thanh Tú (quận Hà Đông, Hà Nội) tự tìm giải pháp cho mình.
Không chỉ người dân, ngay đơn vị cung cấp nước sạch cũng lo ngay ngáy sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Trong rất nhiều tác nhân dẫn tới thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, nguồn nước sông Đà vẫn có khả năng xảy ra các sự cố ảnh hưởng rất lớn đến tình hình quản lý vận hành điều phối cấp nước trên địa bàn, đặc biệt là gây thiếu nước tại quận Đống Đa, Cầu Giấy và một số khu vực khác.
Theo lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, dự báo nguồn nước ngầm của Hà Nội tiếp tục suy giảm từ 4-6% mỗi năm, trong khi nhu cầu sử dụng nước năm 2014 dự kiến tăng 3-4%. Do vậy, vào những đợt nắng nóng kéo dài, tổng lượng nước thiếu hụt dự báo từ 40.000 đến 60.000 m3/ngày đêm.
Tại một số quận nội thành, khi xảy ra mất điện cục bộ tại các nhà máy nước hay sự cố về mạng lưới cấp nước, hoặc khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, nhiều khu vực dự báo sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ. Đơn cử, tại các quận trung tâm Ba Đình, khu vực các ngõ từ 378 – 530 Thụy Khuê do cốt địa hình cao, có thể sẽ mất nước. Có thể kể ra hàng loạt địa chỉ khác như khu vực mặt đê đường Hồng Hà (các phường Chương Dương, Phúc Tân - quận Hoàn Kiếm); khu vực từ số 909 – 921 Đê La Thành 1 và từ số 297 – 303 La Thành 3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (quận Đống Đa); khu vực Đầm Trấu và ngoài đê Nguyễn Khoái; ngõ 30 Tạ Quang Bửu; các phố Hoa Lư; Trần Thánh Tông, Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng); phường Thanh Trì; khu vực Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Quan Hoa (quận Cầu Giấy); các phường Đức Giang, Sài Đồng, Trâu Quỳ (quận Long Biên)... Đó là chưa tính tới 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã chính thức hoạt động kể từ 1-4-2014 còn nhiều phường chưa có nước sạch sinh hoạt.
Phải chờ... dự án
Bên cạnh các giải pháp tình thế, Công ty Nước sạch Hà Nội kiến nghị, TP cho phép triển khai ngay các dự án cấp bách trước mắt về bổ sung nguồn nước cho khu vực nội đô Hà Nội năm 2014, cụ thể như bổ sung khai thác 30.000 m3/ngày đêm nguồn nước mặt để cấp về nhà máy nước Bắc Thăng Long phục hồi công suất đủ 50.000 m3/ngày đêm. Nghiên cứu quy hoạch lại các giếng khai thác nước tại các nhà máy hiện đang xen kẹt trong khu dân cư ra các khu vực vườn hoa cây xanh, ven sông Hồng. Quan trọng hơn, TP cần đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn nước như nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống để tiến tới hạn chế dần khai thác nước ngầm và có đủ lượng nước sạch cung cấp cho người dân.
Cùng với đó, ngành nước đề nghị UBND TP chỉ đạo ngành điện cung cấp điện ổn định, đảm bảo chất lượng trong thời gian cấp nước hè 2014 (từ 15-4 đến hết 15-10-2014). Ngoài ra, cần thông báo kịp thời những sự cố về điện để ngành nước biết và có phương án cấp nước cho nhân dân. Bảo vệ an toàn cho nguồn nước, hệ thống cấp nước trong quá trình triển khai thi công dự án và các công trình cũng là yêu cầu quan trọng. “Khi xảy ra sự cố, cần phối hợp khắc phục ngay trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo tình hình cung cấp nước ổn định cho người dân trong khu vực” – đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội nhấn mạnh.
Theo An Ninh Thủ Đô