Dầu thô tiếp tục tăng giá khi nguồn cung thắt chặt
Giá dầu tuần này đã kéo dài đà tăng 1 USD của tuần trước nhưng với mức tăng cao hơn. Những lo ngại xoay quanh sự cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới cùng với sự sụt giảm trong dự trữ xăng, dầu của Mỹ đã hỗ trợ Giá dầu tăng tốc trong tuần.
Mặc dù leo dốc cao trong tuần, nhưng giá dầu đã có những thời điểm chao đảo, đặc biệt là ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Giá dầu giảm hơn 1% trong phiên này bởi lo ngại nền kinh tế toàn cầu chậm lại và khả năng Mỹ tăng lãi suất vượt trội. Điều này đã lấn át yếu tố Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung trong tháng 8.
Báo Quân Đội Nhân Dân dẫn nguồn Reuters, Saudi Arabia sẽ tiếp tục cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8, đồng thời để ngỏ khả năng kéo dài việc cắt giảm sang những tháng sau đó. Nga cũng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Việc cắt giảm này nâng tổng số cắt giảm dầu cam kết của các nhà sản xuất dầu OPEC+ lên 5,16 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tương đương 5% nhu cầu toàn cầu.
Đà giảm của giá dầu đã bị cắt đứt ngay ở phiên giao dịch thứ hai của tuần. Giá dầu quay đầu bật tăng 2% khi thị trường cân nhắc việc cắt giảm nguồn cung trong tháng 8 của Saudi Arabia và Nga trước triển vọng kinh tế toàn cầu yếu.
Cũng chỉnh bởi cam kết giảm cung của hai nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới này đã đẩy giá dầu tiếp đà tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ ba của tuần. Theo đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng khoảng 3%, thu hẹp khoảng cách giá với dầu Brent chuẩn toàn cầu.
Thị trường dầu sau đó đã chững lại sau khi biên bản cuộc họp ngày 13 và 14-6 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố, trong đó Fed ghi nhận sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn và các quan chức Fed đã quyết định hoãn tăng lãi suất trong tháng 6 để đánh giá tác động của 10 lần tăng lãi suất “khủng” trước đó.
Tại phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu gần như đi ngang, với Brent giảm 13 cent, WTI tăng 1 cent do thị trường cân nhắc nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn với khả năng Mỹ tăng lãi suất cao hơn có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Giá dầu đã tăng mạnh khoảng 3% lên mức cao nhất trong 9 tuần ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần do lo ngại về nguồn cung và lực mua kỹ thuật. Giá dầu Brent tăng lên mức 78,47 USD/thùng, giá dầu WTI chốt phiên ở mức 73,86 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 1-5 và dầu WTI kể từ ngày 24-5. Cả dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 5% trong tuần.
Trong tuần, dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Dự trữ dầu thô trong tuần trước đã giảm 1,5 triệu thùng xuống 452,2 triệu thùng. Mức giảm này thấp hơn so với số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) rằng dự trữ dầu của Mỹ giảm khoảng 4,4 triệu thùng. Cùng với dầu, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng giảm với mức giảm tương ứng là 2,5 triệu thùng và 1 triệu thùng.
Sự tạm dừng sản xuất của Equinor ASA (Na Uy) tại mỏ dầu Oseberg East ở Biển Bắc do thiếu nhân sự, khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và Mỹ đang có ý định mua bổ sung 6 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược của mình là những yếu tố có thể đẩy giá xăng dầu lập hat-trick tăng trong tuần tới.
Theo Petrotimes, thời gian gần đây đồng đô la Mỹ (USD) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần sau khi dữ liệu tăng trưởng việc làm của Mỹ thấp hơn dự kiến nhưng vẫn đủ mạnh để có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sau đó.
Đồng đô la yếu hơn khiến dầu thô rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group Inc (CME.O) , xác suất Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 25-26/7 hiện là khoảng 95%, tăng từ 92% ngay trước khi dữ liệu được công bố. .
Chi phí vay cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Đặc biệt, ở châu Âu, lạm phát cao hàng thập kỷ và tác động của Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukrainechiến đã buộc các công ty phải áp dụng biện pháp đóng băng tuyển dụng và sa thải nhân viên .
Tại Đức, khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng ít có khả năng xảy ra do dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp giảm bất ngờ.
Biến động giá xăng trong nước
Cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đến hết ngày 7/7 cho thấy, các mặt hàng xăng dầu đều tăng so với trước kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước gần đây (ngày 3.7). Theo đó, giá xăng RON95 93,63 USD/thùng, xăng E5 RON92 87,59 USD/thùng, dầu diesel 96,41 USD/thùng...
Thông tin trên VTC News, theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, do lo ngại nguồn cung và lực mua kỹ thuật đã đẩy giá xăng dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 9 tuần.
Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,9 USD, lên mức 73,63 USD, Giá dầu Brent tăng 0,67 USD, lên mức 78,15 USD/thùng.
Đây là mức giá cao nhất đối với dầu Brent và dầu WTI kể từ đầu tháng 5 tới nay. Cả hai mặt hàng dầu chuẩn này đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 5% trong tuần.
Do chịu tác động bởi giá dầu thô trên thế giới, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sau kỳ điều hành chiều 11/7 tới có thể tăng nhẹ.
Cụ thể, giá xăng có thể tăng ở mức 200 - 300 đồng/lít, tương tự, giá các loại dầu được dự báo cũng sẽ tăng tương ứng ở mức 200 – 300 đồng/lít.
Ngày 9/7, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước phổ biến trên thị trường như sau: xăng RON95-III ở mức 21.428 đồng/lít, xăng E5 RON92 20.470 đồng/lít, dầu diesel 18.169 đồng/lít, dầu hỏa 17.926 đồng/lít và dầu mazut 14.623 đồng/kg.
Báo cáo sơ kết 6 tháng hoạt động của ngành mới đây, Bộ Công thương nhận định về tình hình giá xăng dầu 6 tháng đầu năm và đưa ra một số dự báo tình hình cho các tháng cuối năm.
Theo Bộ Công Thương, mặt bằng giá xăng dầu trong nước hiện đang thấp hơn 29,7-39,5% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022.
Cụ thể, giá xăng RON 95 hiện ở mức 21.420 đồng một lít, giảm 35%; dầu diesel ít hơn 39%, dầu hỏa ít hơn 37% và mazut khoảng 29%. Tuy nhiên, Bộ này dự báo giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong quý III khi giá thế giới đi lên.
Dẫn phân tích, dự báo của hãng tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, Bộ này cho hay, bình quân dầu thô thế giới ở mức 87 - 92 USD, tức giá thành phẩm khoảng 90 - 98 USD một thùng xăng, dầu diesel. Mức này giảm gần 13-23% so với cùng kỳ 2022, nhưng tăng khoảng 1 - 2% so với nửa đầu 2023.
Với kịch bản giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 90 USD một thùng, Bộ Công Thương tính toán một lít xăng E5 RON 92 ở mức 21.325 đồng, RON 95 là 21.597 đồng và dầu diesel 18.115 đồng.
Còn nếu giá thành phẩm thế giới 98 USD một thùng, giá dầu diesel ở mức 19.415 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.657 đồng một lít. Còn giá xăng RON 95 là 23.049 đồng, đắt hơn hiện tại gần 2.000 đồng một lít, và tương đương ngưỡng giá tháng 11/2022.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay (9/7) cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.470 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 21.428 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.169 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 17.926 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 14.623 đồng/kg.