Dù là loại xe 2 bánh có động cơ, thậm chí còn khá mạnh, song xe đạp điện, cũng như Xe máy điện hiện đang không phải chịu bất kì sự quản lí nào, luôn chứa những hiểm họa rình rập khôn lường.
Tiêu chuẩn an toàn gần như không có
Xe 2 bánh chạy điện gồm 2 loại: Xe máy điện và xe đạp điện. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe máy điện là xe cơ giới, phải được đăng ký, cấp biển số; xe đạp điện là xe thô sơ, không phải đăng ký.
Bên cạnh ưu điểm thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý, dễ dàng di chuyển khi đường phố đông đúc, xe 2 bánh chạy điện có nhược điểm là không đèn tín hiệu, không đồng hồ báo tốc độ, hệ số an toàn thấp; ắc quy dùng cho xe chỉ 1 - 2 năm là hỏng sẽ trở thành chất thải rắn, khó xử lý, chi phí tốn kém, gây ô nhiễm môi trường lớn và dòng xe này chưa được kiểm soát về chất lượng, an toàn kỹ thuật. Tốc độ tối đa của xe 2 bánh chạy điện có thể lên đến gần 50km/giờ, tương đương với tốc độ của xe máy nên nếu không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, người điều khiển phương tiện có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và người tham gia giao thông.
Trong khi đó, đối tượng sử dụng xe đạp điện chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, kiến thức về Luật Giao thông đường bộ hạn chế, khi sử dụng phương tiện này thường đi với tốc độ cao, lạng lách, dàn hàng đôi, hàng ba gây cản trở giao thông, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông... làm gia tăng các vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Thực tế hiện nay tại Việt Nam, xe máy điện đều là xe nhập khẩu với nhiều chủng loại và không rõ nguồn gốc; không đạt theo tiêu chuẩn quy định của ngành giao thông. Theo quy định, xe máy điện khi tham gia giao thông phải có biển số, đăng ký xe, gương chiếu hậu… Tuy nhiên, phần lớn dòng xe máy điện nhập khẩu hiện nay không được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hoàn thành thủ tục nhập khẩu nên không đủ thủ tục để giải quyết đăng ký cấp biển số.
Sẽ có biện pháp siết chặt quản lí
Hiện nay, việc xử lý xe 2 bánh chạy điện vi phạm TTATGT rất phức tạp, dễ gây phản ứng dư luận xã hội. Cuối năm 2013, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với Bộ Công an và Bộ Công thương tổ chức chiến dịch tuyên truyền, xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn toàn quốc. Sau 3 ngày ra quân, cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội đã xử lý hơn 200 trường hợp đi xe 2 bánh chạy điện vi phạm, trong đó hơn 80% là học sinh phổ thông.
Để tăng cường hiệu quả quản lý, ngăn chặn và xử lý vi phạm TTATGT của người điều khiển xe 2 bánh chạy điện, cần triển khai đồng bộ các giải pháp và có sự tham gia của các cấp, các ngành. Theo nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 8/11/2013 của Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại xe 2 bánh chạy điện, Bộ GT-VT có biện pháp giải quyết số xe 2 bánh chạy điện đang lưu hành hiện nay; cần nghiên cứu đánh giá toàn diện, nhất là những hạn chế về an toàn giao thông và sự gia tăng phương tiện cá nhân...
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan tuyên truyền quy định pháp luật về xe 2 bánh chạy điện, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý xe 2 bánh chạy điện, ban hành thông tư quy định về đăng ký, quản lý xe cơ giới, trong đó có xe máy điện; chỉ đạo công an các địa phương tăng cường xử lý vi phạm TTATGT của xe đạp điện và xe máy điện; một số địa phương đã có kế hoạch chuyên đề xử lý vi phạm TTATGT của xe 2 bánh chạy điện. Nhà trường, gia đình cần tuyên truyền, hướng dẫn học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Các phương tiện truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền việc sử dụng các loại xe 2 bánh chạy điện theo đúng quy định của pháp luật. Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, những vi phạm về TTATGT do xe 2 bánh chạy điện gây ra sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.
T.M (theo Otofun News)