Các trường ĐH vẫn đang chờ Bộ GD-ĐT đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển để xác định mức điểm chuẩn tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2015 tới thí sinh, nhiều trường cũng đã có mức điểm chuẩn dự kiến.
ĐH Ngoại thương Hà Nội
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Lê Thị Thu Thủy cho biết với mức độ đề thi năm nay, dự báo thí sinh sẽ có cuộc cạnh tranh gắt gao vào trường. Điểm trúng tuyển vì vậy có thể nhích hơn năm 2014. Năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường (ở 3 cơ sở) là 3450 em.
Ở kỳ tuyển sinh 2014, điểm chuẩn vào các ngành của ĐH Ngoại thương tuyển sinh khối A dao động từ 24 đến 26 điểm, khối A1: 22-24 điểm, khối D1: 22-23,5 điểm.
Thêm nhiều trường ĐH có điểm chuẩn dự kiến sau khi Bộ công bố điểm thi THPT quốc gia 2015 |
Học viện Tài chính
Học viện Tài chính cũng vừa công bố có hơn 4.200 chỉ tiêu vào trường và điểm chuẩn dự kiến vào đại học chính quy năm 2015.
Năm nay Học viện Tài chính xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia theo quy định. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo ít nhất 2 điểm.
Học viện tuyển thẳng các đối tượng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi THPT Quốc gia, trong đó có môn Toán và 2 môn bất kỳ, đạt 27 (Hai mươi bảy) điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên.
Trong xét tuyển đợt 1, Học viện xét ngành nguyện vọng 1 (NV1) trước. Tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, Học viện xét tiếp ngành NV2 cho những thí sinh có đăng ký ngành NV2. Học viện xét tương tự như vậy đối với ngành NV3, ngành NV4. Kết thúc xét tuyển đợt 1, tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, Học viện xét tuyển bổ sung (đợt 2, 3...) theo quy định của Bộ.
Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Hệ thống thông tin quản lý theo tổ hợp D01* (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh) môn Toán điểm nhân hệ số 2.
Học viện Ngân hàng
Học viện Ngân hàng cũng vừa công bố xét tuyển 3.600 chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy năm 2015 và điều kiện tuyển sinh vào trường.
Ở bậc đại học: Học viện dành 10% chỉ tiêu đối với thí sinh tuyển thẳng hàng năm (300CT). Với thí sinh là học sinh các trường phổ thông trung học chuyên quốc gia (một trong các môn toán, tin học, vật lý, hoá học, tiếng Anh) có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển (của Học viện Ngân hàng) trong 3 năm phổ thông trung học đạt từ 7,0 điểm trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng.
Bậc cao đẳng: Học viện Ngân hàng dành 10% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của bậc cao đẳng (60 CT) để xét tuyển thẳng cho các thí sinh quốc tịch Việt Nam đã tốt nghiệp phổ thông trung học có điểm trung bình chung từng năm của ba năm phổ thông trung học đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Các chỉ tiêu còn lại, trường xét tuyển căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia.
Bậc đại học: Học viện dành 90% chỉ tiêu hàng năm để xét tuyển đối với thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng về một trong các phương án tổ hợp, cụ thể như sau:
Tổ hợp 1: Môn Toán, môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh);
Tổ hợp 2: Môn Toán, môn Vật lý và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh);
Tổ hợp 3: Môn Toán, môn Hóa học và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh);
Tổ hợp 4: Môn Toán, môn Vật lý và môn Hóa học.
Riêng các thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh phải có một môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển là Ngoại ngữ (tiếng Anh) thuộc các phương án tổ hợp trên.
Bậc cao đẳng: Học viện Ngân hàng xét tuyển đối với các thí sinh quốc tịch Việt Nam đáp ứng các tiêu chí như sau: Thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng đối với trình độ cao đẳng về một trong các phương án tổ hợp như trên.
H.M (tổng hợp)