2 cuộc giao lưu của Flores tại Hà Nội có chất lượng chuyên môn không cao, diễn ra ngắn ngủi chỉ chừng 2 phút và chẳng hề chính quy nhưng vì sao thu hút nhiều người thế?
Từ một cuộc Đại hội…
Năm 2015, Đại hội Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam – Cúp Thăng Long lần thứ Nhất được tổ chức với đông đảo các phái đoàn trong nước và cả quốc tế. Đại hội diễn ra quy mô với rất nhiều nội dung thi tài từ biểu diễn, thi đấu đối kháng tới nội công.
Nhìn chung, Đại hội có chất lượng chuyên môn tốt với rất nhiều phần trình diễn hấp dẫn, mới mẻ và những trận thi đấu đối kháng cũng nhiều kịch tính.
Nhưng một thực tế là Đại hội năm ấy không thu hút được nhiều sự quan tâm từ NHM. Một năm sau, Đại hội chuyển từ Thủ đô Hà Nội vào TP.HCM và vẫn tái diễn tình trạng tương tự…
Đại hội Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam năm 2016 diễn ra tại TP.HCM vắng NHM.
Đến hai cuộc giao lưu của võ sư tại Việt Nam
Trong ít ngày ngắn ngủi lưu lại Hà Nội, võ sư Flores đã kịp giao lưu võ thuật 2 lần với võ sư Karate Đoàn Bảo Châu và võ sư Vịnh xuân Trần Lê Hoài Linh.
Thực tế thì 2 cuộc giao lưu này diễn ra trong bối cảnh đôi bên chênh lệch khá nhiều về tuổi tác, thể hình, thể lực nên khá chóng vánh, chỉ chừng đôi phút, với chất lượng chuyên môn chưa cao.
Các clip ghi lại 2 buổi giao lưu cũng chỉ được quay bằng điện thoại, góc – chất lượng đều chưa tốt, tất nhiên cũng không có bình luận viên. Ấy thế nhưng những sự kiện này cứ nổi như cồn và thu hút rất nhiều sự quan tâm, bình luận.
Toàn bộ trận đấu giữa võ sư Đoàn Bảo Châu với võ sư Flores
Theo một nguồn tin nội bộ, chính các cầu thủ U22 Việt Nam đang bận chuẩn bị cho VL U23 châu Á và SEA Games 29 cũng theo dõi và bàn tán khá sôi nổi về các trận giao lưu của võ sư Flores.
Ở nhiều nơi khác, quán nước, thang máy… cũng có thể dễ dàng tìm được những người đang bàn luận về ông võ sư người Canada.
Những bộ phim "chưởng" Trung Quốc
Tạm bỏ qua việc lý giải vì sao 2 trận giao lưu mang tính cá nhân lại thu hút hơn nhiều một Đại hội võ thuật được tổ chức quy củ, câu hỏi đặt ra ở đây là việc giao đấu của võ sư Flores liệu có mang tới mặt tích cực nào?
Câu hỏi này hiện cũng đang được đặt ra ở Trung Quốc, sau sự kiện Từ Hiểu Đông nhưng mang hình thức khác. Giới mộ điệu Trung Quốc đặt ra câu hỏi những bộ phim "chưởng" được hư cấu liệu có tốt cho võ thuật của quốc gia đông dân nhất thế giới?
Câu trả lời là có nhưng cần phải biết phân biệt giới hạn.
Những bộ phim võ thuật của Lý Tiểu Long được nhiều người Trung Quốc tôn vinh, cho rằng có tác dụng truyền bá võ công nước này ra thế giới. Thực tế là ngoài phạm vi đất nước Trung Quốc có rất nhiều người đã đam mê phim Lý Tiểu Long và từ đó tìm hiểu, học võ Trung Hoa.
Vấn đề đặt ra là khi những người yêu võ từ phim ảnh tìm tới võ thuật thật sự, họ cần những bậc thầy chân chính, hướng mình vào sự đúng đắn, không sa đà vào sự hư cấu.
Võ sư Flores tặng tranh cho võ sư Đoàn Bảo Châu.
Trở lại với 2 trận giao lưu võ thuật của Flores, nó cho thấy sự thật trần trụi về chênh lệch tuổi tác, thể hình, thể lực là rất khó vượt qua, dù kĩ năng võ công có hơn hoặc kém chứ không như các bộ phim võ thuật lấy 1 địch… cả trăm.
Nó cũng cho thấy tinh thần thượng võ, đúng với mục đích giao lưu khi đôi bên cùng vui vẻ nhập cuộc và vui vẻ rời sàn đấu để đàm đạo, trao đổi kinh nghiệm.
Đâu đó có những lo ngại rằng việc giao lưu võ thuật tự phát của võ sư Flores có thể tạo nên những tiền lệ xấu. Nhưng 2 cuộc giao lưu đó chính là bài học về võ đạo và cũng là cơ hội để thu hút người Việt Nam quan tâm hơn tới võ cổ truyền.
Còn nhiệm vụ lúc này là làm sao định hướng được cho những người quan tâm ấy về võ học và võ đạo chân chính.