Trao đổi với Zing.vn sáng 14/5, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), cho biết mấy ngày ngày qua đã có 10 người đã chủ động liên hệ tới trung tâm đề nghị được hiến phổi cho bệnh nhân thứ 91 (nam phi công người Anh, 43 tuổi), bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay. Họ đều là người Việt Nam, không quen biết bệnh nhân 91.
Trong số những người xin hiến phổi có một cựu chiến binh 70 tuổi, sống ở Tây Nguyên. Ông gọi điện hỏi về cơ hội cứu sống bệnh nhân 91, sẵn sàng hiến tặng lá phổi của mình và nói rằng cần cứu sống người ấy, cho dù là ai đi chăng nữa.
Trước đó, một trường hợp chết não nhóm máu O được gia đình đồng ý hiến tặng tạng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phổi của người này đã bị hỏng.
Theo ông Phúc, dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến bệnh của nam phi công người Anh, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành Y rất nhiều trong việc tận cùng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.
"Cũng như người cựu chiến binh, ông vẫn đau đáu, liên lạc để sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình vì tưởng bệnh nhân đã được chuyển tới bệnh viện mới để ghép. Gặp lại những tình cảm của những người Việt dù không quen biết nhưng sẵn sàng trao tặng một lá phổi cho người bệnh, tôi càng thấy rõ, dù ở đâu, lúc nào cũng có những điều tốt đẹp, tử tế quanh ta", trên Tổ quốc dẫn lời Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sáng 14/5, tình hình phổi phổi phải của BN91 có hình ảnh tràn khí, nhiều B lines mặt trước dưới và bên, xẹp thuỳ sau dưới.
Phổi trái có hình ảnh tràn khí, nhiều B lines mặt trước dưới và bên, xẹp thuỳ sau dưới, dịch màng phổi phải nhiều hơn rõ so với 2 ngày trước, ước lượng 100-120 ml, dịch lợn cợn. Phổi trái nhiều B lines mặt trước, mặt bên hông, đông đặc thùy dưới. Phổi có nở rõ hơn, che một phần cửa sổ tim, không có dịch màng phổi trái.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 13/3 dịch phết mũi họng, dịch rửa phế quản, dịch màng phổi, máu, phân của nam bệnh nhân cho kết quả âm tính. Sáng nay BN nằm yên, an thần, dùng thuốc vận mạch liều thấp, tim co bóp đồng bộ.
BN tiếp tục thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi. Đến nay, BN91 đã sang ngày thứ 38 can thiệp ECMO, tiên lượng xấu.
BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết toàn bộ chi phí điều trị của BN91 đang do bệnh viện chi trả, đã lên tới trên 5 tỷ đồng cho 54 ngày điều trị, trong đó có 38 ngày được can thiệp ECMO.
BN91 có thể còn phải tiếp tục sử dụng giải pháp đắt đỏ là can thiệp ECMO thêm hàng tháng trời nữa, nên chi phí tiếp tục tăng cao.
Theo một bác sĩ chuyên về hồi sức tích cực cho biết, ECMO chỉ là can thiệp để duy trì sự sống cho người bệnh trong thời gian chờ phổi phục hồi. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân này rất xấu, các cơ quan khác cũng tổn thương, khả năng ghép phổi và tỷ lệ thành công rất khó nói.
"Nếu ghép thành công, cơ thể thích nghi tốt, bệnh nhân có thể uống thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép trong vòng 3-4 năm. Nếu có dấu hiệu đào thải, người bệnh phải uống thuốc này gần như suốt đời", vị chuyên gia này cho biết.