Theo luật sư, anh Hảo phải chứng minh được mình mang theo số tiền trên lên xe khách thì mới được bồi thường.
Liên quan đến vụ việc anh Nguyễn Văn Hảo và em trai bị cháy số tiền 230.000.000 đồng trên xe khách trong vụ tai nạn ở Hòa Bình chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Cường, đối với trường hợp của anh Hảo thì anh Hảo phải chứng minh được mình mang theo số tiền trên lên xe dựa vào các căn cứ như: dấu vết còn xót lại của bọc tiền bị cháy, lời khai của người làm chứng… để Tòa án có căn cứ cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án và những thiệt hại thực tế đã xảy ra, trên cơ sở đó ấn định mức bồi thường thiệt hại.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại cũng được quy định cụ thể tại Điều 605, Bộ luật Dân sự như sau:
Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Anh Nguyễn Văn Hảo, người mất 230 triệu trong bọc túi đen trên xe khách sau vụ tai nạn. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Ngoài ra, luật sư Cường cho biết, Nghị quyết 03/HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo Nghị quyết, khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:
Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.
Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.
Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi do lỗi vô ý mà gây thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.
Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại..."
Cũng cần lưu ý là việc mua bảo hiểm cho hành khách là nghĩa vụ bắt buộc của chủ xe. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, “trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại”.
Trong trường hợp có bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại theo quy định của luật bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Những khoản thiệt hại ngoài phạm vi cơ quan bảo hiểm thanh toán thì bên vận chuyển có trách nhiệm phải bồi thường cho các nạn nhân.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh Internet. |
Trước đó ngày 15/3, một ngày sau sự cố khiến xe bồn đâm nát xe khách trên đèo Thung Khe (Mai Châu, Hòa Bình) khiến 3 người chết và 27 người bị thương.
Là một trong những nạn nhân của vụ tai nạn anh Nguyễn Văn Hảo (34 tuổi, quê Sơn La) cùng em trai và anh rể là Dương Tuấn Dũng (40 tuổi) gói ghém 230 triệu đồng đựng trong túi đen cùng bốn gói bánh sữa và quần áo lên đường xuống Hà Nội để bắt xe vào Đắk Lắk mua ôtô nhưng toàn bộ số tiền đã bị mất trong vụ tai nạn.
Trao đổi trên Zing.vn, lãnh đạo công an huyện Mai Châu cho biết, cán bộ khám nghiệm đã tiếp nhận thông tin ban đầu về sự việc anh Hảo bị mất túi chứa hơn 230 triệu trong xe khách bốc cháy. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể xác định được túi tiền có trong xe khách này không.
Thu Trang