Cho dù con bạn mới bắt đầu đi học hay đã lên cấp 2, những cách đơn giản dưới đây vẫn có thể tạo nên sự khác biệt.
Lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh dù con đang ở độ tuổi nào
Đảm bảo con ngủ đủ giấc
Nếu con bạn thường xuyên ngủ muộn vào kỳ nghỉ hè, hãy cho con đi ngủ sớm hơn vào 2 tuần trước khi vào học. Trẻ em được nghỉ ngơi đầy đủ thì mới có thể tập trung và tuân theo các nội quy ở trường.
Nắm bắt thông tin từ phía nhà trường
Hãy chắc chắn rằng bạn biết mọi thông tin từ phía nhà trường. Hiện nay rất nhiều trường học đã áp dụng sổ liên lạc điện tử, tức là nhà trường sẽ gửi thông tin về con vào điện thoại của phụ huynh. Điều này rất có ích vì đôi lúc đứa con nhỏ của bạn sẽ quên mất những lời dặn của cô giáo. Chẳng hạn, con sẽ cảm thấy xấu hổ nếu mình là người duy nhất không mặc đồng phục vào ngày lễ mà nhà trường quy định mặc đồng phục.
Ảnh minh họa
Biết lịch học của con
Nhớ nắm rõ các tiết học thể dục, khoa học và nghệ thuật của con. Bạn có thể giúp con chuẩn bị tiết học và hỏi con về những chuyện đã xảy ra ở trường. Qua đây bạn cũng có thể biết được năng khiếu của con.
Nói chuyện với các phụ huynh khác
Đôi lúc con không thể nói chính xác cho bạn những điều diễn ra ở trường. Do đó, bạn cần giữ liên lạc với các vị phụ huynh khác để nắm được thông tin.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng con
Bạn có thể tham gia vào hội phụ huynh và cùng giáo viên của con tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Dĩ nhiên điều này sẽ tiêu tốn không ít thời gian của bạn.
Thể hiện sự quan tâm
Cho dù bạn bận rộn thế nào, hãy luôn thể hiện cho con thấy rằng bạn quan tâm đến việc học của con. Hãy xem kỹ tác phẩm mà con làm được ở trường, sau đó yêu cầu con giải thích về nó. Hành động này sẽ giúp trẻ củng cố những điều đã được học.
Ngoài ra, hãy giúp con tìm đọc những cuốn sách phù hợp với độ tuổi về chủ đề mà con quan tâm nhất, bất kể đó là chủ đề nào. Khi con đạt điểm cao, hãy dành cho con những lời khen ngợi, chúc mừng, nhưng đừng làm quá lên, nếu không con sẽ muốn làm tốt chỉ để được bạn khen ngợi chứ không phải vì cảm giác thúc đẩy của bản thân.
Khuyến khích con học
Đây là một việc không hề dễ dàng. Vậy phải làm sao để trẻ thực sự hứng thú với việc học tập?
Cùng con khám phá các địa điểm
Trước khi bắt đầu học kỳ hoặc vào những dịp cuối tuần, hãy cùng con đi tham quan bảo tàng, thư viện và các địa điểm hấp dẫn khác. Điều này sẽ thúc đẩy trí tò mò và khiến con muốn khám phá nhiều hơn nữa. Khi tới các địa điểm này, bạn có thể nói: “Giả vờ mẹ là cô giáo còn con là học sinh”. Sau khi đi tham quan và nhận thấy con đã biết được nhiều điều, hãy hỏi xem con đã học được những gì và thấy điều gì thú vị.
Chơi trò chơi
Áp dụng những trò chơi vui nhộn vào bài học không chỉ khiến trẻ thêm hứng thú mà còn giúp trẻ làm quen các quy tắc, luật lệ. Trước khi bắt đầu chơi, hãy đọc to quy tắc và yêu cầu con nhắc lại. Mỗi đứa trẻ sẽ thấy hứng thú với những trò chơi riêng và mỗi trò chơi sẽ giúp trẻ phát triển một kỹ năng riêng.
Đọc sách cho trẻ
Trẻ được hưởng lợi rất nhiều khi cha mẹ đọc sách cho chúng nghe mỗi ngày. Không chỉ có vậy, trẻ còn rất thích khi cha mẹ đọc cho chúng nghe quyển sách mà chúng đã được đọc ở trường. Bạn có thể nói rằng: “Hãy nói cho mẹ biết về những quyển sách hay con đang đọc, vì mẹ cũng muốn đọc những quyển sách đó”.
Khuyến khích trẻ phát triển kỹ năng xã hội
Dạy trẻ nói lên những điều trẻ cần
Như vậy trẻ có thể hỏi lại giáo viên những phần trẻ chưa hiểu – một điều rất cần thiết để học tốt hơn. Khi bạn đọc sách cho trẻ nghe, hãy dùng những từ khó và nói rằng: “Mẹ sẽ dùng một số từ mới. Nếu không hiểu chỗ nào, con hãy hỏi lại mẹ nhé!”. Ngoài ra, hãy nói với con rằng giáo viên cũng rất thích học sinh của mình hỏi lại những phần khó hiểu hoặc hỏi về những từ mới.
Tập trung vào cách cư xử và kỹ năng xã hội
Nhớ dạy con dùng những từ “xin”, “cảm ơn” và “xin lỗi”. Vào ngày đầu tiên đi học, hãy dạy con cách chia sẻ, dùng lần lượt và đứng vào hàng. Nếu con gặp khó khăn với kỹ năng xã hội nào, bạn có thể cùng con luyện tập ở nhà.
Tạo ra môi trường học tập
Xếp đồ gọn gàng
Đặt các đồ dùng học tập như kéo, bút, thước kẻ, … tại một vị trí thuận tiện. Tiếp đó, tập cho trẻ thói quen đặt đồ dùng lại vị trí cũ sau khi dùng, bất kể đó là khi ở nhà hay ở trường.
Dành cho trẻ một góc học tập
Kể cả một đứa trẻ mẫu giáo cũng cần một góc học tập riêng – nơi chúng có thể tập trung làm bài mà không bị ai làm phiền.
Theo yeutretho.vn