Bên cạnh những hoạt động cấp cao then chốt trong chương trình làm việc của Hội nghị thượng đỉnh APEC, nhiều cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Philippines sẽ diễn ra bên lề hội nghị.
Pháp luật TPHCM và Tiền Phong cho hay sự kiện cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng là sự kiện quốc tế quan trọng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump với chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in…
1. Tổng thống Trump và Tổng thống Putin
Tổng thống Trump (phải) và Tổng thống Putin đã gặp nhau một lần bên lề hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) tháng 7 vừa rồi. Ảnh: AP |
Cuộc gặp gỡ song phương bên lề APEC được giới quan sát rất mong chờ đã được người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận từ ngày 7-11. Theo đó, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump chắc chắn sẽ có buổi gặp và trao đổi nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu, trong đó có vấn đề Triều Tiên.
Trước đó, trong một bài phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Trump nhấn mạnh "Tổng thống Putin rất quan trọng", đồng thời khẳng định ông sẽ gặp Tổng thống Putin bên lề hội nghị APEC ở Việt Nam. Tổng thống Trump cho biết hy vọng cuộc gặp với Tổng thống Putin sẽ giúp đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
2. Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe
Thủ tướng Abe (trái) định sẽ bàn về vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp Tổng thống Putin sắp tới bên lề hội nghị APEC. Ảnh: SPUTNIK |
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng sẽ có cuộc hội đàm bên lề APEC. Thông tin này được chính Thủ tướng Abe thông báo từ cuối tháng trước, khi liên minh cầm quyền của ông giành chiến thắng áp đảo trong tổng tuyển cử.
Ngoài cuộc gặp với Tổng thống Putin đã được xác nhận, Thủ tướng Abe cũng cho biết ông cũng mong muốn gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tuy nhiên vẫn chưa có xác nhận chính thức về một cuộc gặp song phương.
"Trong các cuộc gặp này, tôi định sẽ bàn giải pháp xử lý các leo thang căng thẳng quanh vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên" - Thủ tướng Abe nói.
3. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in
Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhận được nhiều mong đợi của giới quan sát khi diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tiến hành các nỗ lực giảm căng thẳng xoay quanh hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Nhiều tháng qua, ngành du lịch và các doanh nghiệp Hàn Quốc điêu đứng vì bị Trung Quốc trừng phạt, trả đũa việc Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD.
Văn phòng Tổng thống Hàn quốc ngày 31/10 đã có thông báo chính thức xác nhận Tổng thống Moon và Chủ tịch Tập sẽ có cuộc gặp song phương vào ngày 10-11 bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC. Đây sẽ là lần thứ hai ông Moon và ông Tập gặp gỡ trực tiếp. Cuộc họp song phương đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo là vào ngày 6-7 tại Berlin, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.
Mới đây, hai nước đã quyết định khôi phục hợp tác, thúc đẩy đối ngoại về sự hiện diện của hệ thống THAAD.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 31/10 cho biết cả hai nước mặc dù vẫn giữ lập trường của mình liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ THAAD, tuy nhiên sẽ đồng ý tiếp tục thảo luận các biện pháp để giải quyết những khác biệt trong tương lai.
Theo Giám đốc An ninh quốc gia Hàn Quốc Nam Gwan-pyo, việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in đồng ý gặp nhau lần này là bước đầu tiên để hai nước khôi phục hợp tác và trao đổi song phương, đưa quan hệ trở lại bình thường về mọi mặt.
4. Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte bên lề hội nghị APEC cũng là cuộc gặp rất được mong đợi.
Thông tin này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Leo Herrera-Lim xác nhận "một phần" vào ngày 6/11.Ngoài cuộc gặp với Tổng thống Trump, bên lề APEC, Tổng thống Duterte cũng có thể có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quan hệ của Tổng thống Duterte với hai lãnh đạo Trung Quốc và Nga khá tốt.
Có thể thấy, chỉ trong khoảng thời gian vài ngày ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, cuộc gặp bên lề giữa các nguyên thủ quốc gia trên mức độ nhất định có thể giúp hình thành hàng loạt Chính sách trên nhiều lĩnh vực và thậm chí là ảnh hưởng đến "số phận" các điểm nóng quốc tế.
Hồng Hạnh (tổng hợp)