Con trai duy nhất của GS Hồ Ngọc Đại đã chỉ tay lên cái mồm khi có người hỏi ông "đâu là điểm yếu nhất của bố anh".
Cái mồm phũ phàng cộng với cái lưỡi "không biết mềm dẻo" của GS Đại, là một trong những nguyên nhân khiến cho Công nghệ giáo dục (CNGD) chênh vênh bên bờ thực nghiệm suốt 40 năm.
GS Đại bấn loạn hay chính chúng ta bấn loạn?
Khi dư luận bị xới tung lên, tôi tự hỏi: Tại sao một vị GS giáo sư già, ở tuổi 82, cả đời nghiêm túc trong khoa học, vẫn có thể làm cho xã hội chia rẽ sâu sắc đến như vậy: Kẻ ném đá, người cảm phục; anh bênh chằm chặp, chị xúc đất đổ đi?
Và tôi tự đặt câu hỏi: Phải chăng sự ồn ào, cơn giận dữ khi bàn về Công nghệ giáo dục, không bắt nguồn từ GS Đại, mà bắt nguồn từ chính tâm thức bấn loạn của chúng ta?
Năm 1976, khi trình bày về hướng đi CNGD với thầy dạy - một nhà khoa học nổi tiếng ở Liên Xô Hồ Ngọc Đại – nói rằng: "Em nghĩ chắc phải mất 15 năm thì Việt Nam mới chấp nhận CNGD". Thầy ông, một viện sĩ, trả lời: "Ở Việt Nam thì phải mất 50 năm". Bố vợ ông, Tổng bí thư Lê Duẩn cũng nhận định vài chục năm sau, người Việt mới hiểu CNGD.
Những sóng gió đến liên tục, khiến GS Đại sớm biết rằng nhận xét của thầy và bố vợ mình, hoàn toàn đúng, Nhưng là người có niềm tin tuyệt đối, thậm chí cực đoan vào con đường đã chọn, nên ông không bấn loạn, không vội vàng.
Chính chúng ta – số đông - mới là kẻ bấn loạn và vội vàng. Chúng ta ở trong một xã hội mà suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ thôi hoang mang về giáo dục, từ lâu đã không biết tin vào triết lý, con đường giáo dục nào cả. Quá nhiều lần biến học sinh thành "con tin", "chuột bạch thí", nhưng chưa khi nào giáo dục Việt Nam leo lên khỏi vùng trũng thế giới.
Trong cơn hoang mang đó, bất cứ điều gì dám khác biệt, đều trở thành nạn nhân của số đông thiếu chính kiến, thiếu thông tin nhưng lại thừa gạch đá.
Trong cơn hoang mang đó, người ta đã biến chuyện ô tròn ô vuông, thành cuộc tổng sỉ vả nhân cách một nhà khoa học tài năng và tử tế. Khi cáo buộc GS Đại ăn tiền Trung Quốc để dạy vuông tròn, sự bấn loạn ấy đã gần giống một phiên tòa trung cổ.
Trong cơn hoang mang đó, những người thay đổi thái độ một cách cầu thị sau khi có thông tin đầy đủ về CNGD, cũng bị đồng loại miệt thị là phản bội, tráo trở.
Năm 1978, khi mở Thực nghiệm, rất nhiều trí thức và quan chức đã gửi con cho GS Hồ Ngọc Đại. Họ tin tưởng cao độ vào tấm bằng TSKH và sức thuyết phục từ con người ông.
40 năm sau, khi chúng ta hoang mang, lòng tin bỗng trở thành món hàng xa xỉ trong xã hội. Tất cả những điều khác thường đều bị nghi ngờ. Tất cả những ai bị nghi ngờ đều bị ném đá không thương tiếc.
"Giáo dục Hồ Ngọc Đại đâu có khác nhiều so với giáo dục Phần Lan"
Khi số đông dần thấu hiểu tâm huyết của cha đẻ CNGD, thì vẫn có không ít câu hỏi được đặt ra:
Triết lý và con đường của GS Hồ Ngọc Đại mới hay cũ; cóp nhặt thô thiển hay phát triển hay sáng tạo?
Tại sao hơn 40 năm, Thực nghiệm vẫn là thực nghiệm? Có phải chất lượng tồi nên không thể áp dụng đại trà?
CNGD và mô hình trường thực nghiệm có khiếm khuyết không?
Cuộc tranh luận này là vô bổ hay có ích đối với việc cải cách giáo dục?
Trong cuộc tranh luận tháng 9.2018, nhiều người đã nói: Con đường GD của GS Đại không có gì mới cả. Nó chỉ là sản phẩm cóp nhặt thô thiển của Mỹ.
Những người đang sống ở năm 2018, thật dễ dàng khi "phán xét" như vậy. Họ quên rằng GS Đại chủ trương CNGD từ hơn 40 năm trước, năm 1978.
Họ quên rằng năm 1978 chúng ta có những gì? Không điện thoại, không internet, không sách báo tạp chí nước ngoài. Tóm lại không có thứ gì để đủ hiểu xã hội và nền giáo dục Mỹ như thế nào.
Ngay cả ở Liên Xô lúc đó, đa số giới tinh hoa cũng không chấp nhận tư tưởng CNDG. Khi nghiên cứu sinh Hồ Ngọc Đại đề nghị được dạy thực nghiệm Toán cho tiểu học theo phương pháp mới, đa số nhà khoa học phản đối, chỉ có hai viện sĩ đồng tình trên nguyên tắc: không nên ngăn cản một nhà khoa học trẻ tìm tòi.
Hai vòng thực nghiệm Toán của ông Đại đã thành công và luận án TSKH Hồ Ngọc Đại chính là bản tổng kết cuộc thực nghiệm đó.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù có chịu ảnh hưởng triết lý giáo dục của ai trên thế giới, Hồ Ngọc Đại cũng chính là cha đẻ thực tiễn và vô cùng xứng đáng của trường phái CNGD ở Việt Nam.
Quan sát triết lý Hồ Ngọc Đại, TS Lương Hoài Nam, một người trăn trở nhiều về giáo dục, đã phải thốt lên: "Nếu triết lý giáo dục Phần Lan được đánh giá là số 1 thế giới, thì "giáo dục Hồ Ngọc Đại" được lột tả đâu có khác nhiều so với giáo dục Phần Lan".
Một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Phần Lan cũng tỏ kinh ngạc không kém: "Có những điều GS Hồ Ngọc Đại thực hiện từ 40 năm trước mà gần đây Phần Lan mới thực hiện. GS Đại chủ trương "Thầy thiết kế - trò thi công", tức là thầy chỉ giúp học sinh phương pháp để học sinh tự tìm ra lời giải, chứ thầy không giải thay học sinh. Phần Lan bây giờ cũng quan niệm: "Trước đây giáo đọc học sinh chép; giờ đây giáo viên hướng dẫn cách học".
Tại sao hơn 40 năm, Thực nghiệm vẫn chỉ là "thực nghiệm"?
Trước hết, hãy xem "kẻ kỳ dị" Hồ Ngọc Đại đã chủ trương giáo dục thế nào từ 30- 40 năm trước:
1. Đi học là hạnh phúc. Học sinh được quyền cãi, bàn luận với thầy cô, được chơi nhiều hơn và được kể truyện cười giữa các tiết học. CNGD quan niệm trẻ không hạnh phúc khi tới trường, nền giáo dục chắc chắn sẽ thất bại, lệch lạc. Học sinh mới là trung tâm của trường lớp, là lý do để giáo viên tồn tại.
2. Tất cả tư duy khác biệt của học sinh đều được khuyến khích, tôn trọng. Mỗi học sinh được giáo dục để là chính mình chứ không trở thành người như người khác áp đặt. Giáo viên không áp đặt, nhồi sọ, làm thay học sinh, mà chỉ hướng dẫn, gợi mở để học sinh tự tìm ra câu trả lời. "Phải dạy trẻ biết suy nghĩ, không phải chỉ biết nghe lời", "Phải làm sao cho trẻ suy nghĩ bằng cái đầu của mình, không phải của người khác. Và một dân tộc có đầu óc thì không ai làm được gì hết" – GS Đại nhận định.
Vì vậy, ở trường Thực nghiệm, giáo viên ra một đề bài văn, học trò có thể trả bài bằng thơ, thậm chí bằng tranh mà không sợ bị dè bỉu, coi thường. Tất nhiên, trường thực nghiệm rất ít những bài văn nhiều mỹ từ, sáo rỗng, hô khẩu hiệu, quyết tâm giống nhau như đúc – tình trạng có thể gặp nhan nhản ở tất cả các trường ngoài thực nghiệm.
3. Cấp tiểu học không chấm điểm, không xếp hạng, không ganh đua. CNGD cho rằng mỗi học sinh đều có một khả năng tiềm ẩn. Học tốt thể dục, vẽ, nhạc cũng quý giá như học tốt toán văn hóa lý. GS Đại lý giải: Mỗi đứa trẻ là một, là riêng, là duy nhất, thì tại sao lại cần có điểm để so sánh với những đứa khác, tạo áp lực không đáng có cho chúng?
4. Học sinh được học trực quan và được tiếp cận tự nhiên với những kiến thức mà ở lứa tuổi ấy, người lớn cho rằng "trẻ con biết gì mà học". Học sinh lớp 1 học một vài kiến thức toán của các anh chị, được đọc thơ lục bát, truyện Kiều…
5. Bước ra khỏi trường, học sinh không cần làm bài tập, ôn tập. Học sinh đã được CNGD thiết kế để học đủ kiến thức tại trường.
6. CNGD không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn dạy thái độ sống. Trường thực nghiệm không dạy học sinh làm ông nọ bà kia mà dạy cách làm người bình thường, tử tế và hạnh phúc.
Những triết lý này hoàn toàn tương đồng với giáo dục Phần Lan, Mỹ hiện tại (đọc tham khảo: )
Tháng 9.2018, giữa tâm chấn của cơn bão dư luận, Hồ Ngọc Đại vẫn có những phát biểu khiến nhiều người "thế hệ cũ" nhảy dựng: Học trò khiến ông tự hào nhất không phải Ngô Bảo Châu mà là một cậu sửa xe.
Trong khi những "người cũ" bình luận "dạy học sinh như thế thì tụt lùi à?", thì giới trẻ và trí thức mới lại ngả mũ trước tư tưởng văn minh ấy.
Nếu phát ngôn này được đưa ra vào thời điểm 15-20 năm trước, chắc chắn Hồ Ngọc Đại sẽ bị coi là một nhà khoa học có vấn đề về thần kinh. Trong SGK và ngoài đời thường, người ta chỉ dạy rằng phải trở thành quan chức, GS, TS, người giàu, thì mới hạnh phúc. Chả ai dạy phấn đấu trở thành anh thợ sửa xe hạnh phúc.
Nói như thế để thấy, khi thành lập Trung tâm CNGD năm 1978 – lúc đất nước vừa kết thúc chiến tranh chống Mỹ - Hồ Ngọc Đại đã trở thành "kẻ lạc lõng", kỳ dị đến thế nào trong con mắt số đông đầy định kiến cũ.
Đến tận năm 2018, những ô chữ vuông tròn chỉ hơi lạ một chút còn bị vùi dập dữ dội, thì tư duy đổi mới kiểu "đập đi xây lại" như Hồ Ngọc Đại, không được xã hội chấp nhận, đâu có gì lạ.
TS Nguyễn Quốc Toàn, một chuyên gia giáo dục và đầu tư giáo dục, chủ tịch HĐQT Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ, đồng sáng lập viên Học viện Anh Ngữ EQuest, công ty TNK Capital, sau khi liệt kê ưu điểm của triết lý giáo dục Hồ Ngọc Đại, đã khẳng định "Đây chính là triết lý giáo dục "nghệ thuật khai phóng" (liberal arts) mà các trường đại học ở Mỹ và trên thế giới đang theo đuổi. Các trường quốc tế cũng có dạy khác gì đâu?
Tôi thấy xấu hổ vì xin thú thực là đến giờ tôi vẫn chưa làm nổi đối với các con tôi những điều này. Tôi vẫn bị vợ mắng thường xuyên vì nói hay hơn dạy con.
Tôi thấy xấu hổ vì hoá ra từ 40 năm nay người ta đã theo đuổi triết lý này rồi mà đến giờ vẫn không làm đại trà. Phải chăng chúng ta mông muội nên giờ vẫn chỉ dám gọi là "thực nghiệm"? Phải chăng chúng ta quá bảo thủ và sợ sai nên không dám phổ biến mà chỉ dám sử dụng từ "thực nghiệm" để đưa một mô hình tiến bộ như thế.
Nếu là tôi thì tôi sẽ cảm ơn ông Phạm Vũ Luận, nguyên bộ trưởng Bộ GD ĐT đã phải lách luật để cho phép triển khai mô hình này...
…Tôi thấy xấu hổ vì xã hội chúng ta vẫn sẵn sàng dày vò và tẩn không thương tiếc những thay đổi và khác biệt; vì nhiều người chúng ta vẫn tranh luận theo kiểu "bỏ bóng, đá người" một cách đầy cảm tính…
Cá nhân tôi mong có nhiều mô hình trường thực nghiệm với triết lý giáo dục như trên. Kể ra mà làm đại trà luôn và thay luôn cái "phổ thông" hiện giờ thì tốt nhất. (Còn phương pháp hay/dở, khoa học thế nào nào tôi không tranh luận). Chỉ riêng triết lý của những người làm Thực nghiệm là đủ cho tôi kính trọng rồi".
Cái mồm và cái lưỡi đối nghịch của GS Hồ Ngọc Đại
Những người thân quen cha đẻ CNGD Việt Nam đều biết rằng, một trong những nguyên nhân khiến CNGD long đong, còn là bởi… cái mồm của GS Hồ Ngọc Đại. Khi được hỏi về khiếm khuyết của bố mình, con trai duy nhất của GS Đại cũng chỉ vào cái mồm.
Quả thực, cái mồm Hồ Ngọc Đại đã gây ra không ít họa. Có điều lạ, cùng cái mồm ấy, nhưng khi nói với học trò thì vô cùng mềm mại, thương yêu, nhưng lại rắn đanh với nhiều người vai vế.
Tháng 9.2018, khi xuất hiện bảo vệ CNGD, Hồ Ngọc Đại đã hồn nhiên dùng một số từ ngữ thực sự không mô phạm, thậm chí thiếu chuẩn mực, hoặc hơi tỏ ra kiêu ngạo, bề trên. Ông dùng những từ "ngu", "ngu lắm", "chúng nó", "chẳng hiểu gì" để chỉ những người ném đá ông và thậm chí, cả một vài người trách nhiệm trong việc thẩm định sách CNGD.
Từ lâu, kiểu dùng từ thiếu khéo léo, bỗ bã, độp thẳng mặt đã khiến Hồ Ngọc Đại trở thành một cái tên vô cùng khó chịu, đặc biệt là với một số vị chức sắc có tiếng nói trong giáo dục – những người mà GS Đại không thấy nể phục.
Một người Quảng Trị (gốc Nghệ) vốn đã trực tính, lại không coi trọng quyền chức (từ chối ghế Bộ trưởng GD), không thích nịnh bợ, cộng thêm vị thế con rể Tổng bí thư Lê Duẩn, đã khiến cái mồm Hồ Ngọc Đại tăng độ đanh đá hơn và phũ phàng.
Có lần, được mời về tỉnh nói chuyện, ông chả ngại phát biểu: "Nếu như chẳng may đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của chúng ta có mệnh hệ gì thì 10 phút sau có 10 ứng cử viên thay thế, còn nhà sử học Hà Văn Tấn bạn tôi đang ngồi kia có mệnh hệ gì xảy ra thì 10 năm sau chưa chắc đã có người thay".
Sau cuộc diễn thuyết, không những Hồ Ngọc Đại chẳng bao giờ được mời về địa phương đó nữa, mà vị quan chức thỉnh ông về cũng lên bờ xuống ruộng, dù ai dự hôm ấy cũng thấy hấp dẫn.
Khi tiến sĩ tân khoa Hồ Ngọc Đại về nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi ý kiến ông về cải cách giáo dục, ông cũng không ngần ngại nói thẳng: Cải cách giáo dục mà chúng ta đang làm sẽ thất bại.
Khi Thủ tướng nén giận hỏi lý do, ông trả lời ngắn gọn nhưng rõ ràng: Cuộc cải cách giáo dục được chuẩn bị trong vòng hơn 20 năm, lại chuẩn bị trong thời chiến, nên nếu chuẩn bị đúng thì cũng sẽ lạc hậu rất nhiều so với thời bình; nếu chuẩn bị sai thì càng nguy hại cho đất nước.
Những lần khác, được mời góp ý đổi mới giáo dục, ông nói chẳng nể nang: Mục đích của tôi là làm cho tất cả các quan niệm về nền giáo dục đương thời mất thiêng. Trẻ em chính là cứu tinh dân tộc, anh hùng thời đại mới. Làm sao cứu được dân tộc nếu trẻ em mới lại được nhồi sọ bằng những tư duy cũ kỹ, lạc hậu?
Thái độ của ông, dĩ nhiên, khiến người hỏi tái mặt.
Cái mồm Hồ Ngọc Đại cũng phũ đến nỗi, nhiều chục năm trước, ông đã từng thẳng thừng bày tỏ quan điểm về một vài nhân vật quan trọng trong ngành giáo dục ở nhiều nhiệm kỳ rằng: Các anh chả hiểu gì về về giáo dục thì đừng bắt trẻ con làm chuột bạch nữa, nền giáo dục này không được phép bắt học sinh làm con tin.
Dĩ nhiên, những vị bị bêu tên bởi cái mồm Hồ Ngọc Đại ấy, luôn là người có tiếng nói quan trọng với số phận của chương trình thực nghiệm, CNGD.
Không ít bạn bè, người thân đã khuyên: Giá ông nên mềm dẻo, biết nhẫn trong ứng xử; giá như ông chấp nhận nhờ oai của bố vợ để thi triển… thì CNGD sẽ không chênh vênh "thực nghiệm" suốt 40 năm như thế.
Những lúc ấy ông cười nhạt và nói lại cái điều mà ngày 14/9/2018 ông đã nhắc lại: "Nhiều người có hỏi sao chương trình thành công (đã có 800.000/ tổng số 1.100.000 học sinh lớp 1 học sách CNGD) mà tôi không thuyết phục Bộ GD&ĐT đưa vào làm chương trình giáo dục phổ cập? Đó không phải việc của tôi. Trách nhiệm của tôi là làm ra cho xã hội một sản phẩm giáo dục tinh túy, đảm bảo chất lượng, còn việc dùng nó ra sao là việc của Nhà nước. Và tôi vẫn đang chờ đợi điều đó".
Ước mơ bé của doanh nhân và niềm tin của thầy Đại
Một trong những chiếc bia khiến dư luận nhắm bắn, chính là chất lượng của sách CNGD. Phải khẳng định rằng: Bất cứ một sản phẩm, dù tốt đến đâu, cũng không tránh khỏi khiếm khuyết, sách CNGD cũng vậy.
Không phải GS Hồ Ngọc Đại không nhận ra điểm cần hoàn thiện của Sách và trường thực nghiệm. Khi phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm vì hiệu ứng Ngô Bảo Châu, GS Đại đã lý giải: "Thực ra, nhiều phụ huynh mong muốn con được vào học trường thực nghiệm là họ chọn điều ít tệ nhất trong những điều tệ hiện nay về giáo dục tiểu học chứ không hoàn toàn là chọn môi trường tối ưu cho con mình".
Dù sách CNGD và mô hình trường thực nghiệm có thể phải vi chỉnh để hoàn thiện hơn, thì triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại, chắc chắn sẽ vẫn sẽ tồn tại lâu dài, bởi nó tương đồng với con đường giáo dục hiện nay ở những nước tiên tiến nhất.
Cuộc tranh luận, dù chứa nhiều gạch đá và thương tổn, vẫn là một dịp khiến xã hội vỡ lẽ nhiều điều. Giữa tâm bão, GS Hồ Ngọc Đại tỏ ra lạc quan vì ông nghĩ, qua cơn bão, người ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về CNGD.
Cuộc tranh luận cũng làm bật tung lên những góc tăm tối nhất trong nhận thức, tư duy của vô số "sản phẩm giáo dục lỗi". Đây là cơ hội để những nhà hoạch định Chính sách, chuyên gia giáo dục có thêm quyết tâm chính trị và chuyên môn, nhìn rõ hơn con đường đầy thử thách trong cải cách giáo dục.
Vài ngày trước, giữa cuộc ồn ào về CNGD, có một nữ doanh nhân đăng ảnh cạo trọc đầu lên Facebook. Dù người trong ảnh có nét mặt vui tươi, nhưng hành động ấy, vẫn khiến gần như tất cả bạn bè chị sửng sốt, thậm chí có người còn tự đặt câu hỏi: Bị sao ấy nhỉ?
Không thể trả lời quá nhiều tin nhắn, chị phải giãi bày trên facebook. Thì ra chị có ước mơ cạo đầu từ hồi lớp 5, nhưng không dám làm: "Nhỏ thì sợ thầy cô, bạn bè, cha mẹ sốc. Lấy chồng thì lại càng không dám. Sau này đi làm ăn thì sợ đối tác khó hiểu".
Chỉ mỗi ước mơ nhỏ nhoi là thử cạo đầu, mà một người không hề thất bại trong cuộc sống như chị, chỉ dám hành động sau mấy chục năm đấu tranh tư tưởng.
"Giờ đã hết sợ. Cảm giác không có gì ràng buộc mình với đời, về nỗi sợ. Nên làm vậy thôi. Bạn bè nên vui vì làm được điều mình mơ ước. Vì mình đang vui" – Dù chị |đã định hướng dư luận" như vậy, nhưng vài ngày sau chị vẫn tiếp tục phải trả lời những câu hỏi sửng sốt.
Nữ doanh nhân ấy, cùng với những ai sửng sốt và hàng triệu người khác, chính xác là một sản phẩm của nền giáo dục "không tạo điều kiện cho mỗi người được là chính họ". Nhiều chục năm qua, có biết bao người đã phải từ bỏ đam mê, thế mạnh của mình để chạy theo những gì thầy cô, bố mẹ, anh chị và "quan niệm xã hội" muốn. Làm sao họ có thể trở thành giỏi nhất, nhiệt huyết nhất và hạnh phúc nhất khi cả đời đánh đu thành bản sao của những ai đó?
Khi đất nước được xây dựng bởi hàng triệu chủ nhân tương lai sợ sệt nhìn quanh, không dám ước mơ khác biệt, không đủ bản lĩnh cắt đi ngay cả mái tóc của chính mình như nữ doanh nhân kia thời trẻ, thì việc ngẩng mặt với bạn bè quốc tế, sẽ mãi mãi là những khẩu hiệu treo trên tường.
Nhiều năm trước, GS Hồ Ngọc Đại từ chối quyền cao chức trọng để đi dạy lớp 1 vì ông tin lớp trẻ sẽ cứu đất nước khỏi tụt hậu nếu người lớn xây dựng được một nền giáo dục phá vỡ hoàn toàn cái cũ kỹ:
"Tất cả chúng ta đều là con đẻ của quá khứ, và cái tư duy quá khứ, cách làm ăn quá khứ, tâm hồn quá khứ, trong khi đó trẻ em là con đẻ của thời đại, và vì nó là con đẻ của thời đại thế cho nên nó xây dựng nên thời đại mới, cái đó nó cứu chúng ta khỏi cái tầm quá khứ được. Chỉ có chúng nó mới làm được, chớ còn chúng ta không đủ sức làm cái chuyện ấy. Chúng ta không đủ sức để vượt qua chính quá khứ của mình, không có ai đủ sức làm cái việc ấy cả, trừ trẻ em. Cho nên là đất nước chúng ta khốn khổ như thế nào thì chỉ có trẻ em hiện nay nó mới có thể xử lý vấn đề đó".
Hôm nay, những nhà hoạch định và làm giáo dục, có dám từ chối ngôi nhà an toàn, bước ra giông gió, xô đổ những cũ kỹ, lạc hậu của giáo dục Việt Nam?