Tin mới

Học sinh miền núi sáng tạo ra ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật

Thứ ba, 09/04/2024, 09:07 (GMT+7)

Để giúp người khuyết tật có cuộc sống thuận tiện hơn, 2 học sinh Trường THCS Ninh Lai (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) gồm Trần Lê Mai Phương và Thăng Anh Tú, cùng nhau mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra ứng dụng dành cho người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn.

Sản phẩm này nhằm giảm thiểu những rào cản, khắc phục một phần khó khăn cho người khuyết tật (NKT) trong hòa nhập cuộc sống, tiếp cận với xã hội, hoà nhập với cộng đồng.​​​​​​​

Học sinh miền núi sáng tạo ra ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật - Ảnh 1

Em Trần Lê Mai Phương và Thăng Anh Tú cùng thầy giáo nghiên cứu code về ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật

Ý tưởng nhân văn

Nhà nước và xã hội luôn nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội cũng như những quyền, lợi ích đặc thù của NKT, song NKT vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, làm việc, hòa nhập cộng đồng. Việc khiếm khuyết một phần cơ thể làm cho NKT rất khó làm tốt những công việc của mình.

“Qua tìm hiểu, chúng em nhận thấy NKT mất khả năng nói, nhìn rất khó trong quá trình di chuyển, sinh hoạt, phải nhờ người thân chăm sóc. Điều này thôi thúc chúng em phải làm việc gì đó thật hữu ích giúp NKT mất khả năng nói, nhìn thuận thiện hơn trong đời sống hàng ngày cũng như trong công việc”, Anh Tú chia sẻ về ý tưởng của nhóm.

Khi có ý tưởng, các em đã mạnh dạn đề xuất với thầy Nguyễn Đức Tân, Bí thư Chi Đoàn trường và được sự ủng hộ của thầy giáo hướng dẫn cùng Ban giám hiệu nhà trường. Từ tháng 2/2024, các em bắt đầu thực hiện ý tưởng.

“Khó khăn không kể hết nhưng thầy Tân luôn nhiệt tình sát cánh, Ban giám hiệu nhà trường và gia đình ủng hộ, động viên  tạo thêm động lực cho chúng em. Đặc biệt là khi có ý tưởng, chúng em đã tự hứa không được bỏ cuộc”, Mai Phương nói.

Học sinh miền núi sáng tạo ra ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật - Ảnh 2

Giao diện ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ cử chỉ

Hiện thực hóa thành sản phẩm hữu ích

Trải qua nhiều lần thất bại do số lượng hình ảnh quay các cử chỉ mẫu thu thập không đủ, kinh nghiệm về viết code, lập trình còn chưa chuyên sâu, ít tài liệu tham khảo. Suốt 8 tháng nghiên cứu dòng dã cho đến tháng đầu 9 ứng dụng đã được hoàn thiện. Ứng dụng đã có thể hỗ trợ người khuyết tật có thể giao tiếp như người bình thường. Chuyển đổi từ ngôn ngữ tay thành giọng nói và ngược lại. 

Theo đó, Ứng dụng sẽ giúp NKT mất khả năng nói, nhìn nhận biết được chướng ngại vật khi qua đường, khoảng cách, nhận diện đèn xanh đèn đỏ, định vị GPS báo về cho người thân thông qua điện thoại. Đồng thời ứng dụng cũng hỗ trợ NKT mất khả năng nhìn có thể nhận diện được người thân thông qua chính điện thoại của mình. Bên cạnh đó ứng dụng lại có cách sử dụng vô cùng đơn giản, tải trực tiếp trên điện thoại di động cũng như máy tính, ứng dụng nhẹ tương thích với mọi dòng điện thoại đang có trên thị trường có thể truy xuất chức năng nhận dạng bằng giọng nói, hình ảnh để thuận tiện cho cả NKT với người bình thường giao tiếp với nhau mà không vướng bận gì. Cuối cùng, NKT có thể chuyển đổi ngôn ngữ kí hiệu tay của mình ra thành nhiều ngôn ngữ khác nhau để thuật tiện trong việc giao tiếp hằng ngày cũng như trong công việc.

Học sinh miền núi sáng tạo ra ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật - Ảnh 3

Giao diện ứng dụng dành cho người mất khả năng nói giao tiếp qua cử chỉ tay

Thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Đức Tân chia sẻ: “Ứng dụng hỗ trợ NKT là sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống. Hiện sản phẩm này được thầy vẫn đang nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các tính năng ưu việt của sản phẩm. Bên cạnh đó, cả thầy và trò rất mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé để giúp người NKT vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.”

“Tôi đánh giá cao ý tưởng làm ứng dụng cho NKT đầy tính nhân văn và mang ý nghĩa cộng đồng của các em. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào dạy và học, trong đó đẩy mạnh việc sáng tạo khoa học kỹ thuật cho các lớp học để khơi dậy tinh thần nghiên cứu, cũng như phát hiện, bồi dưỡng niềm đam mê sáng tạo cho các em.” Thầy giáo Ma Chung Chinh – Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news