Các cơ quan nằm ở trung tâm của hoạt động sống. Mỗi cơ quan sẽ có một mục đích cụ thể, cho phép chúng ta thực hiện nhiều chức năng cơ bản của cuộc sống. Mặc dù vậy, vẫn có một số cơ quan mà khi thiếu nó, cơ thể chúng ta vẫn hoàn toàn có thể sống.
Hàng nghìn người trên thế giới đã hoặc đang sống mà không có những bộ phận từng được coi là quan trọng. Tất cả là nhờ vào sự tiến hóa và tiến bộ y học.
Dưới đây là 7 cơ quan được cho là "không quan trọng" đối với cơ thể người do Adam Taylor, giám đốc Trung tâm Kiến thức Giải phẫu Lâm sàng thuộc ĐH Lancaster cung cấp.
1. Lá lách
Cơ quan này nằm ở bên trái bụng, phía lưng, dưới xương sườn. Nhiều người thường bị bỏ lá lách do chấn thương. Do nằm ở sát xương sườn nên lá lách dễ bị chấn thương nếu bụng bị tổn thương.
Lá lách được bao bọc bởi một viên nang giống như giấy, dễ bị rách khiến máu bị rò rỉ khi cơ quan này bị tổn thương. Nếu không được điều trị thì người bệnh có thể chết.
Lá lách có 2 màu đáng chú ý, màu đỏ thẫm và những túi nhỏ màu trắng. Màu đỏ liên quan tới việc lưu trữ và tái chế hồng cầu, màu trắng là lưu trữ tế bào bạch cầu và tiểu cầu.
Bạn có thể sống thoải mái mà không cần lá lách. Nguyên nhân là do gan đóng vai trò tái chế hồng cầu và các thành phần của chúng. Tương tự, những mô bạch huyết khác trong cơ thể sẽ giúp thực hiện chức năng miễn dịch của lá lách.
2. Dạ dày
Dạ dày thực hiện 4 chức năng chính là tiêu hóa cơ học bằng cách co bóp nghiền nát thức ăn, tiêu hóa hóa học bằng cách tiết axit phá vỡ thức ăn, sau đó hấp thụ và bài tiết.
Thỉnh thoảng, dạ dày bị cắt bỏ do ung thư hoặc chấn thương. Khi dạ dày bị cắt bỏ, bác sĩ sẽ nối trực tiếp thực quản vào ruột non. Sau khi phục hồi, mọi người có thể ăn một chế độ ăn bình thường cùng với việc bổ sung vitamin.
3. Cơ quan sinh sản
Cơ quan sinh sản chính ở nam giới và nữ giới lần lượt là tinh hoàn và buồng trứng. Các cấu trúc này được ghép nối và mọi người vẫn có thể có con chỉ với một chức năng.
Việc cắt bỏ một hoặc cả hai thường là do ung thư, ung thư buồng trứng hoặc chấn thương ở nam giới do thể thao, bạo lực, Tai nạn giao thông.
Ở nữ giới, tử cung cũng có thể bị cắt bỏ. Thủ tục này khiến phụ nữ không thể có con và cũng dừng chu kỳ kinh nguyệt ở người tiền mãn kinh.
Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bị cắt buồng trứng không bị giảm tuổi thọ. Điều thú vị là một số nam giới khi cắt cả 2 tinh hoàn có thể tăng tuổi thọ.
4. Đại tràng hoặc ruột già
Đại tràng là một ống có chiều dài hơn 1,8m và có 4 phần được đặt tên là kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng xích ma.
Các chức năng chính của đại tràng là hấp thụ lại nước, chế ra phân bằng cách nén chất thải lại với nhau.
Những người bị ung thư hoặc các bệnh khác có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột già. Hầu hết mọi người đều phục hồi tốt sau phẫu thuật này mặc dù họ sẽ có thay đổi trong thói quen đại tiện.
5. Túi mật
Túi mật nằm ở dưới gan và phía bên phải bụng, ngay dưới xương sườn. Nó lưu trữ một chất gọi là dịch mật. Mật được gan sản xuất liên tục đưể giúp phân hủy chất béo. Nhưng khi không cần thiết, nó được lưu trữ trong túi mật.
Khi ruột phát hiện chất béo, một hormone sẽ được giải phóng khiến túi mật co lại, buộc dịch mật tiết vào ruột để giúp tiêu hóa chất béo.
Tuy nhiên, cholesterol dư thừa trong mật có thể tạo thành sỏi mật, chặn những ống mật nhỏ xung quanh. Khi điều này xảy ra, người ta cần phải cắt túi mật.
6. Ruột thừa
Ruột thừa là một cấu trúc giống như con giun bị bịt một đầu nằm ở ngã 3 giữa ruột già và ruột non. Ban đầu, ruột thừa được cho là vết tích còn lại của quá trình tiến hóa nhưng giờ đây, người ta tin đó là nơi trú ẩn an toàn cho các loại vi khuẩn tốt cho ruột, cho phép những vi khuẩn này tái sinh khi cần thiết.
Do tính chất kín một đầu nên khi thức ăn rơi vào ruột thừa, nó không thể thoát ra ngoài và dẫn đến bị viêm. Đây được gọi là viêm ruột thừa. Trong trường hợp nghiêm trọng thì cần phẫu thuật cắt ruột thừa.
Những người đã cắt bỏ ruột thừa nhận thấy cuộc sống của họ không có gì thay đổi.
7. Thận
Hầu hết mọi người đều có 2 quả thận nhưng bạn vẫn có thể sống khi chỉ có một, thận chí là không có thận (với sự trợ giúp của lọc máu).
Vai trò của thận là lọc máu để duy trì cân bằng nước và điện giải, cũng như cân bằng bazo và axit. Nó thực hiện điều này bằng cách hoạt động giống như một cái rây, sử dụng nhiều quy trình khác nhau để giữ lại những thứ hữu ích (protein, các tế bào, chất dinh dưỡng) mà cơ thể cần.
Quan trọng hơn, nó loại bỏ nhiều thứ chúng ta không cần, cho phép chúng đi qua rây để rời khỏi thận, đi qua nước tiểu.
Có nhiều lý do khiến mọi người phải cắt bỏ một quả thận, hoặc cả hai, do di truyền, do tổn hại vì thuốc và rượu, thậm chí là do nhiễm trùng.
Nếu một người bị hỏng cả 2 quả thận thì họ sẽ được lọc máu. Quá trình này có 2 dạng là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc.
Chạy thận nhân tạo sử dụng máy chứa dung dịch dextrose để làm sạch máu. Thẩm phân phúc mạc sử dụng một ống thông đặc biệt được đưa vào bụng, cho phép dung dịch dextrose được đưa vào và ra bằng tay. Cả 2 phương pháp đều rút chất thải ra khỏi cơ thể.
Nếu một người phải lọc máu, tuổi thọ của họ phụ thuộc vào nhiều thứ gồm loại hình lọc máu, giới tính, các bệnh khác mà họ mắc phải và tuổi của họ. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những người lọc máu ở tuổi 20 có thể sống trong 16-18 năm, những người ở tuổi 60 chỉ sống được trong 5 năm.