Hầu hết các bậc cha mẹ đều là những người tuyệt vời. Tuy nhiên cũng có nhiều phụ huynh khiến giáo viên cảm thấy đau đầu và sợ hãi mỗi khi năm học mới bắt đầu.
Luôn coi con là đặc biệt
Nhiều phụ huynh coi đứa trẻ của mình là đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đi học, mọi học sinh đều giống như nhau. Không có một trường hợp nào đặc biệt để được miễn làm bài tập về nhà hay được nghỉ học tự do. Khi cho trẻ đi học, cha mẹ cần chấp nhận đầy đủ mọi quy tắc ở trường học áp dụng với tất cả các trẻ em và thậm chí là cho cả phụ huynh.
Lẩn tránh trách nhiệm
Tất cả các bậc cho mẹ luôn muốn con cái họ có thể làm tốt hơn khi ở trường. Nhiều phụ huynh muốn con của họ đạt điểm cao và mức độ đọc hiểu được cải thiện nhưng lại không chịu thực hiện bất cứ việc dạy dỗ nào. Nhiều phụ huynh muốn mau chóng tìm cách khắc phục hoặc bất kỳ giải pháp nào giúp con họ trở nên tốt hơn nhưng đòi hỏi không có sự tham gia của họ.
Ảnh minh họa: Internet |
Coi mình là trên hết
Một số phụ huynh khi thấy một vấn đề nào đó xảy ra trong lớp học của con, sẽ bỏ qua việc nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm mà tìm thẳng đến hiệu trưởng của trường. Trong khi đó, sự việc hoàn toàn có thể giải quyết được trong cuộc trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên phụ trách lớp. Họ luôn coi mình là trên hết và gây khó khăn cho giáo viên chủ nhiệm.
Luôn có mặt ở mọi nơi
Đây là mẫu phụ huynh luôn có mặt ở khắp mọi nơi, đứng sau cánh cửa lớp học trong khi nhiều phụ huynh khác đã ra về. Một số phụ huynh dường như không bao giờ có thể để cho con cái của họ tự làm mọi việc như buộc dây giày, quản lý mọi thứ hoặc làm nên một vài sai lầm.
Không bao giờ có mặt
Tên của nhiều phụ huynh nằm trong danh sách nhưng thực sự họ có tồn tại? Có nhiều phụ huynh mà giáo viên chủ nhiệm chưa bao giờ được gặp mặt. Điều này khiến việc kết nối giữa giáo viên với phụ huynh trở nên khó khăn. Có thể nhiều bậc cha mẹ bận rộn với công việc nhưng họ cần phải có sự liên lạc qua điện thoại hoặc mail với giáo viên chủ nhiệm để biết rõ tình hình học tập của con mình.
Không có giới hạn
Nhiều giáo viên cảm thấy sợ hãi trước những phụ huynh liên tục gửi tin nhắn điện thoại hoặc email cho họ. Đó không phải là những tin nhắn ngắn gọn thông thường mà là những dòng nhắn gửi bất tận như sử thi. Điều này đánh mất khá nhiều thời gian của giáo viên, ảnh hưởng đến việc dạy học và nghỉ ngơi của họ.
Phụ huynh cạnh tranh lẫn nhau
Nhiều cặp vợ chồng không chỉ chia sẻ quyền nuôi con mà còn chiến đấu trên nhiều thứ khác. Họ dường như đang ở trong một cuộc đua để xem ai có thể khiến con trở nên tốt nhất. Họ không bao giờ đi chung một con đường và luôn cố gắng cạnh tranh nhau trong việc nuôi dạy con ở trường học. Trong cuộc đua này, những đứa trẻ luôn là người thua cuộc.
Luôn coi mình là người chủ
Mẫu phụ huynh này luôn mang ý nghĩa kinh doanh ứng dụng vào trong lớp học. Họ luôn muốn chắc chắn rằng vị trí của giáo viên luôn đứng sau phụ huynh. Họ không coi giáo viên chủ nhiệm là một đối tác để giúp trẻ học tập tốt hơn mà là một nhân viên dưới quyền hạn của họ. Mẫu phụ huynh này cho rằng: Họ nộp thuế, nên họ là “người chủ” của giáo viên.
Luôn ghét giáo viên
Nhiều phụ huynh luôn cảm thấy thù ghét giáo viên chủ nhiệm của con mình. Họ nghĩ rằng giáo viên đó khiến con họ đau khổ, không làm được điều gì có ích cho con của họ. Họ luôn đổ lỗi cho giáo viên phụ trách lớp, trong đó nhiều lỗi là do những người khác gây nên.
Hải Nam (Theo Parenting)