Ai đã từng chứng kiến hình ảnh những tiểu thương tự tay đập nát hoa rồi thất thểu dọn hàng đêm 30 tết, lặng lẽ trở về nhà thì mới thấu hết những nỗi buồn mà người trồng hoa phải gánh khi bị ép giá đến tận cùng.
Hôm 25 Tết, chợ hoa bắt đầu tấp nập, nhưng ngặt nỗi người đến xem thì nhiều mà người mua về thì ít. Ông Bảy Nam ngồi nhìn mấy chậu hoa đang độ nở rực mà lòng buồn thiu. "Người ta đi dọ giá với chụp hình thôi, chứ năm nào cũng đợi đến 30 mới đổ ra mua. Độ đó tụi tui bán tống, bán tháo đặng còn về quê ăn Tết".
Ông Bảy, hay rất nhiều chủ vườn khác ở chợ Hoa Bến Bình Đông này vẫn còn nhớ như in cái cảm giác chiều 30 phải tự tay đập bỏ những chậu hoa mà họ từng ân cần, nâng niu suốt mấy tháng liền vì giá thành bị ép xuống mức khó chấp nhận được. Họ - những người nông dân xứ miền vườn dong thuyền lên thành thị để mưu cầu một mùa xuân no đủ, nhưng trên đường về chợt thấy mùa xuân cũng trôi theo dòng nước.
Các tiểu thương bán hoa dịp Tết tại bến Bình Đông thường đến từ miền Tây, chở hoa trên ghe xuôi dòng về đây bán nhiều loại hoa đẹp.
Vậy đó mà có bỏ được nghề đâu. Nó là nghiệp, nghiệp của người trồng hoa. Năm được giá thì khá giả đủ đầy, năm thất bát thì lao đao trăm bận. Nghề buôn hoa, trước sợ thời tiết, sợ ông trời, giờ thêm cái lo vì người dân bắt đầu có thêm thói quen mua hoa chiều 30 Tết.
Buôn hoa cũng có hai dạng buôn. Một là tiểu thương - những người mua lại hoa của nông dân để đem lên thành phố bán. Những tiểu thương này vốn rành rỏi chuyện kinh doanh nên ít nhiều cũng cân đo đong đếm, tính trước tính sau để không bị lỗ vốn. Thế nên họ thường bán giá khá cao những ngày đầu để bù lỗ ngày cuối. Dạng thứ hai là những chủ vườn như ông Bảy Nam. Họ là những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời chỉ mong đến Tết để kiếm tiền sửa soạn cho gia đình. Chính vì dành rất nhiều tâm huyết và công sức cho công việc đồng án, nên họ chảy nước mắt khi nhìn hoa bị ép giá cũng là chuyện dễ hiểu.
Đau lòng cảnh người bán đập chậu, người mua hả hê lao vào "hôi hoa"
Trưa 30 Tết năm nay, cũng như mọi năm, ở Công viên 23/9 lại tái diễn cảnh tượng đau lòng: Người bán cầm gậy, cay đắng xuống tay đập nát vựa hoa của chính mình bởi dù đã bán rẻ như cho nhưng nhiều người vẫn cố ép giá xuống mức thấp nhất. Thậm chí rất nhiều người biết thời gian trả mặt bằng lại cho công viên là 12h30 nên để "thủ" sẵn từ 12h, chờ tiểu thương bị lấy lại mặt bằng thì lao vào giật hoa hoặc ép giá rẻ.
Vì không muốn công sức của mình đổ sông đổ biển, lại còn tạo tâm lý xấu cho người mua nên nhiều tiểu thương "thà phá nát hoa còn hơn để người ta lấy". Ở một góc đường, nhiều người dân tốt bụng cũng phụ một chị tiểu thương bán phá giá hoa cúc chỉ với 10k/ cặp. Vừa bán, vừa nài nỉ: "Mọi người mua giùm chỉ, để chỉ về quê đi!". Thấy mà thương!
Nhiều tiểu thương đập phá số hoa bị dư, tồn trước khi trả mặt bằng buôn bán - Ảnh: Kim Điền
Có người còn mang về được nguyên 1 xe đầy hoa.
Cũng có những người đến 10 nghìn cũng không muốn bỏ ra, chở cả xe đến chờ cảnh tiểu thương bị đòi lại mặt bằng để lao vào lấy hoa về, một chậu, hai chậu, rồi họ chất cả đống hoa vừa "hôi" được lên xe, hả hê chở về nhà. Phía sau là cảnh những người bán thất thần, dọn đống hỗn độn rồi tranh thủ về quê.
Nếu dư dả, sao phải đợi đến ngày 30 Tết?
Sự thật thì ai chẳng mong có một cái Tết đủ đầy, ai chẳng mong ngày xuân trong nhà có cành mai, đoá cúc cho rực rỡ. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để đi chợ sớm, chọn một chậu hoa thật đẹp chưng Tết. Nhất là khi thời buổi kinh tế ngày một khó khăn thì việc chi tiêu ngày xuân cũng trở nên dè dặt hơn. Kiếm được tiền đã khó, nên xài tiền cũng phải đắn đo. Với người lao động nghèo, số tiền bỏ ra để mua một chậu hoa có thể đủ để họ mua vài ký thịt trước làm mâm cơm cúng ông bà, sau cho con cái ăn 3 ngày Tết. Thế nên việc họ đợi đến chiều 30 để mua hoa giá rẻ cũng là chuyện có thể cảm thông.
Rõ ràng là nếu bạn mua hoa sớm thì sẽ có cơ hội chọn lựa những chậu hoa đẹp, vừa ý với mình. Còn với những người đợi đến sát tết mới mua thì hoa đẹp dường như chẳng còn nhiều, mà thời gian chưng hoa cũng không bao lâu .
Có rất nhiều người dù có tiền trong túi nhưng thời gian lại hạn hẹp. Những ngày cuối năm tất bật đủ việc từ trong nhà ra ngoài phố, từ dọn dẹp, quà cáp cho bên nội bên ngoại, sắm sửa quần áo cho con, hay chuẩn bị mâm cúng khiến họ chẳng có thời gian đi chợ chọn một chậu hoa vừa ý. Thế nên cứ xong hết việc thì cũng đến 29, 30 Tết mới có thể tranh thủ ghé chợ hoa mua về chưng cho có không khí.
Những chậu hoa tan tác sau khi bị bỏ lại
Các công nhân môi trường bắt đầu dọn dẹp số hoa bị vứt bỏ.
Tuy nhiên không phủ nhận là có một cơ số người dù rủng rỉnh tiền và có thời gian đi chọn hoa, nhưng vẫn thích đợi đến ngày cuối để mua giá rẻ hoặc trả giá, ép giá đến tận cùng. Bản thân tôi từ trước đến nay chẳng bao giờ so đo tính toán với những người nông dân. Tôi dường như không có thói quen trả giá để được giảm vài đồng bạc khi mua rau ngoài chợ, hay hoa ngày Tết (trừ khi giá thành bị đẩy lên quá cao so với thực tế). Bởi những mặt hàng này vốn chẳng lời lãi bao nhiêu, nhưng công sức bỏ ra thì rất nhiều. Người nông dân một nắng hai sương chăm sóc cho cây trái, rồi còn phải thấp thỏm lo âu khi hoa bị sâu hại, bị trái thời tiết. Đó là chưa kể những năm hạn hán hay bão lũ ồ ạc kéo đến khiến người nông dân mất mùa, trắng tay. Thế nên tính toán với họ vài đồng cũng đâu khiến ta giàu hơn.
Ai đã từng chứng kiến hình ảnh những người trồng hoa thất thểu dọn hàng đêm 30 tết. Lặng lẽ lên thuyền trở về nhà mà lòng nặng trĩu mới thấu hết những nỗi buồn mà người trồng hoa phải gánh khi bị ép giá đến tận cùng. Ai cũng mong Tết. Ai cũng mong được đoàn tụ với gia đình trong niềm hân hoan.
Thế nên nếu có điều kiện thì đừng đợi đến 30 mới ra chợ mua hoa rẻ.