Chỉ trong vòng 5 năm, gia đình ấy phải chứng kiến 7 thành viên qua đời. Điều đáng nói, những cái chết liên tiếp đều được phát hiện cùng một tư thế, cùng một tình trạng và cùng giới tính.
Sự trùng hợp ấy đã làm cả dòng họ Hà ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lo sợ. Nhiều năm sau khi sự việc xảy ra, được sự chỉ dẫn tận tình của Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó thư ký thường trực Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã cất công trở lại huyện Yên Bình, hầu mong lý giải sự việc này.
Bà Nông Thị Khiên giờ đây trở thành người trụ cột trong dòng họ Hà. Ảnh TG
|
Tốn hàng trăm triệu vì dại dột tin lời thầy bói
Chỉ trong một thời gian ngắn, dòng họ ấy đã phải đau đớn tiễn đưa 7 người thân. Theo người trong gia đình chia sẻ, những cái chết ấy đều diễn ra một cách lãng xẹt. Người đi bộ vô tình trượt chân ngã cũng chết, người đang đi xe đạp bị ngã cũng chết. Nỗi đau đớn, mất mát là quá lớn khiến cho một gia đình vốn đang sống bình yên, bỗng chốc quay cuồng trong cơn bão “khăn tang”. Đặc biệt hơn, những cái chết bất đắc kỳ tử này lại chỉ đến với những người con trai trong dòng họ Hà, một dòng họ lớn tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái.
Chia sẻ với chúng tôi về những cái chết “bí ẩn” xảy ra với dòng họ Hà, ông Phùng Minh Đức trưởng thôn Làng Ngần cho biết: “Việc xảy ra những cái chết chỉ cách nhau 1 – 2 năm trong gia đình nhà bà Nông Thị Khiên, ở thôn Làng Ngần là có thật, tuy nhiên theo tôi nghĩ đó chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của những người này với cùng tư thế, cùng hiện tượng, cùng giới tính, có lẽ phải nhờ đến các nhà khoa học về nghiên cứu mới có được lời giải thích chính xác nhất”.
Hành trình lý giải sự việc, theo chỉ dẫn của những người địa phương, chúng tôi may mắn tìm gặp được người hiện đang là trụ cột của gia đình họ Hà, đó là bà Nông Thị Khiên. Mới bước sang 50 tuổi nhưng bà trông già hơn nhiều so tuổi thật. Nỗi đau liên tiếp xảy đến với gia đình khiến người đàn bà nhỏ bé ấy gần như gục ngã. Mất mát là quá lớn, tuy nhiên dư âm xung quanh cái chết bí ẩn của những người thân trong gia đình, cùng lời đồn thổi về cái gọi là “trùng tang” mới chính là nỗi ám ảnh, gây hoang mang cho người còn sống.
Theo bà Khiên, cha chồng bà là ông Hà Đình Chức từng công tác tại bệnh viện huyện. Ông Chức chết do một lần đi ra ngoài sân vô tình trượt chân ngã, mặc dù sau đó gia đình bà Khiên đã yêu cầu pháp y mổ tử thi, tuy nhiên vẫn không tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của bố chồng bà. Cái chết của ông Chức khiến những người trong gia đình bà Khiên hoang mang. Sau cái chết của ông Chức, gia đình bà Khiên đi xem bói và thầy bói cho biết ông Chức chết phải “giờ trùng” (?), để tránh “ma trùng” về bắt những người còn lại trong gia đình, thầy bói “phán” nhà bà Khiên phải chi ra hàng trăm triệu đồng làm lễ để “yểm trừ”. Tuy nhiên sau đó, hàng loạt cái chết vẫn diễn ra.
Sau cái chết của ông Chức một năm, người con trai thứ hai của ông là Hà Quốc Việt cũng theo chân bố về với tổ tiên. Cái chết của anh Việt cũng đột ngột không kém bố mình. Được biết trước khi chết, anh Việt có đi ra Yên Bái thăm bà con bằng xe đạp, khi về gần đến nhà thì tự nhiên ngã ra giữa đường rồi qua đời.
Một thời gian ngắn sau đó, em trai của ông Việt là ông Hà Quốc Hưng, sau khi đi sang nhà bà con chơi, vừa bước chân ra khỏi hiên nhà thì trượt chân ngã đập đầu xuống nền tử vong. Sự đau buồn sau 2 cái chết của ông Hưng và ông Việt chưa tan thì cũng một năm sau đó là năm 2006, chồng bà Khiên là ông Hà Đình Vụ, sau khi đi ăn cỗ ở nhà em gái ông Vụ về thì cũng ngã chết giữa đường. Sau cái chết của ông Vụ, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc và yêu cầu mổ tử thi, tuy nhiên gia đình bà Khiên lúc đó đã từ chối yêu cầu này.
Không nghĩ ngợi cuộc sống sẽ bình yên
Hà Minh Thùy - con gái út bà Khiên kể về những cái chết liên tiếp xảy ra với gia đình. Ảnh TG
|
Bất hạnh nối tiếp xảy ra, khiến người dân không khỏi liên tưởng đến cái chết có phần “kỳ lạ” của ông Chức. Sau cái chết của ông Vụ, gia đình bà Khiên lại mù quáng bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng tìm thầy về cúng hóa giải lời đồn “trùng tang”. Bà Khiên bộc bạch: “Gia đình tôi phải bỏ ra số tiền rất lớn mong sao cái chết không tìm đến với những đứa con còn lại. Thế nhưng, mọi chuyện chỉ tạm lắng xuống được 2 năm thì đến năm 2008, đứa con trai cả của tôi cũng theo chân bố nó mà đi. Cuối năm 2009 thì thằng con út cuối cùng trong gia đình cũng từ giã cõi đời một cách đột ngột. Cho đến nay, gia đình chúng tôi không còn một người đàn ông nào nữa”.
Chị Thùy (con gái bà Khiên) cho biết: Sau khi cậy nhờ khắp nơi, hễ nghe ai nói có thầy này hay hoặc cao tay, gia đình chị lại tìm đến... Cho đến khi gặp được thầy Nghĩa ở dưới Vĩnh Phúc. Chị Thùy kể: “Thầy Nghĩa hướng dẫn gia đình tôi làm các thủ tục để gửi “vong” về chùa Hàm Long. Thầy nói rằng khi gửi về đó, “vong” sẽ được các vị hòa thượng cao tay tụng kinh, cầu siêu thoát. Gia đình tôi cũng không hiểu có “trùng tang” thật hay không, nhưng để trấn an mọi người trong gia đình, cũng như làm giảm bớt sự lo sợ của hàng xóm, nên gia đình tôi phải làm”.
Lý giải về câu chuyện xảy gia với gia đình bà Khiên ở Yên Bái, Hòa thượng Thích Thanh Dũng – chủ trì chùa Hàm Long cho biết: “Không chỉ có gia đình bà Khiên, mà rất nhiều gia đình khác khi xảy ra những cái chết “bất thường”, họ đều tìm lên chùa để gửi. Với lòng từ bi của nhà Phật, không riêng gì chùa Hàm Long, nhiều ngôi chùa khác cũng sẵn sàng tiếp nhận các “vong hồn”, khi người nhà mang lên gửi. Nhà chùa không khuyến khích cái gọi là mê tín nhưng vì tín ngưỡng của chúng sinh, và đây lại là làm cho chúng sinh an tâm về tâm lý, khi người dân gửi “vong” lên chùa thì nhà chùa có trách nhiệm giúp họ. Đối với gia đình bà Khiên cũng vậy, khi tâm lý đã ổn định, họ không còn nghĩ ngợi đến những cái chết “bí ẩn” nữa, thì khắc cuộc sống sẽ được bình yên”.
“Đối với những cái chết liên tiếp xảy ra trong cùng một gia đình thì cũng thường tạo nên một sự lo sợ vô hình. Mọi người càng lo lắng thì sự “rủi ro” lại thường hay gặp. Đối với gia đình bà Khiên cũng vậy, muốn biết đó có phải là “chết trùng” hay không thì chính xác nhất vẫn là nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học chuyên ngành, để xác định những cái chết do đâu, tránh tạo ra sự hoang mang cho những người con sống”, ông Nguyễn Phúc Giác Hải – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng còn người cho biết. Mong muốn các nhà khoa học vào cuộc, không chỉ là ý nguyện của ông Giác Hải, mà đó còn là của gia đình bà Khiên. Nhưng trước khi có được những kết quả chính xác từ khoa học, thì hơn hết gia đình bà khiên vẫn cần có một liệu pháp ổn định về tâm lý, có như vậy cuộc sống của họ sẽ bớt âu lo và bình yên.
Không nên tin vào mê tín dị đoan
Theo Trưởng thôn Phùng Minh Đức thì có thể do nắm bắt được sự sợ hãi trong gia đình nhà bà Khiên, cùng với việc nhận thức còn hạn chế nên các thầy bói đã “phán” lời đe dọa, khiến gia đình phải hao tiền tốn của. “Nhiều gia đình khác thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa dễ bị kích động và quá tin lời các ông thầy mo, thầy cúng để rồi mất tiền oan vào những việc không đâu. Tiền thì vẫn mất, người chết thì vẫn cứ chết và sự lo lắng hoang mang càng tăng lên. Tốt nhất nếu như chưa có sự lý giải của khoa học, gia đình nào không may xảy ra các vẫn đề tương tự như gia đình bà Khiên thì nên đưa người nhà đến bệnh viện để được các bác sĩ chăm sóc, thăm khám, tránh gặp phải những cái chết oan uổng”, ông Đức nhận định.
Theo Gia Đình & Xã Hội