Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến ngày 25/8, Trung Quốc báo cáo có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi và hơn 10.000 con lợn bệnh đã bị tiêu hủy.
Tin tức từ ANTĐ cho hay, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện virus gây bệnh ASF tại 2 hộ chăn nuôi ở TP Hưng Yên ở huyện Yên Mỹ.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ của các hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.
Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Theo đó, cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn.
Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) khẳng định không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người.
Theo tin tức từ Cổng thông tin Bộ NN&PTNT, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế của người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.
Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người nên người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang. Người dân có thể tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Ăn thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi có gây hại cho sức khỏe?
Trả lời trên VnExpress, PGS Nguyễn Bá Hiên (khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay dịch tả heo không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn luôn khuyến cáo thịt heo cũng như tất cả loại thịt sống khác cần được chế biến kỹ trước khi ăn, vì chúng có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Nên giữ lạnh và để riêng biệt thịt heo sống với các thực phẩm khác trước khi nấu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người iêu dùng cần sử dụng thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Heo mắc bệnh tả sẽ chết 100% chỉ trong 5-7 ngày. Vi khuẩn tả trong thịt heo chết ở nhiệt độ 70 độ C.