Cầu Bạch Đằng với khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất Việt Nam, có thiết kế dây văng hệ cáp 2 mặt phẳng nối Quảng Ninh - Hải Phòng rút ngắn khoảng cách 50km đang ở những công đoạn cuối cùng trước ngày thông xe.
Được khởi công từ tháng 1/2015, cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng tại đoạn cuối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 2/9.
Cây cầu nối 2 bên bờ sông Bạch Đằng từ quận Hải An, TP Hải Phòng tới thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, giúp nối liền tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long.
Trước lễ khánh thành thông xe 1 tuần, các công đoạn hoàn thiện tại các hạng mục đang gấp rút được tiến hành.
Khi hoàn thành, cây cầu sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội từ 180km như hiện nay được rút xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống chưa đầy 2 tiếng.. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75km xuống còn 25km.
Với tổng chiều dài cầu Bạch Đằng 5,4 km gồm cả đường dẫn, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h.
Toàn bộ dự án bao gồm: cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 7.270 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh gần 490 tỷ đồng, gồm chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ.
Với kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng, chịu được động đất cấp VIII, cầu Bạch Đằng đánh dấu sự đổi mới kỹ thuật trong tổ chức thi công cầu đường ở Việt Nam.
Được thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ H, biểu tượng kết nối 3 thành phố kinh tế trọng điểm phía bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (Quảng Ninh).
Đại diện chủ đầu tư cho biết, sau 3 năm tổ chức thi công, đến thời điểm này các hạng mục xây dựng chính của cầu Bạch Đằng đều đã hoàn thành theo đúng thiết kế, kỹ thuật, mỹ thuật; công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Ngày 1/9 cầu sẽ chính thức được khánh thành và thông xe.
Phương Thảo
Theo Kênh 14/Thời Đại