Anh hùng lao động Hồ Giáo – người mang nhiều duyên nợ với trâu, bò đã qua đời lúc 15h30 ngày 14/10, hưởng thọ 86 tuổi.
Ông Hồ Giáo sinh năm 1930 tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình nghèo khó, năm 12 tuổi ông phải đi ở cho một gia đình chức sắc trong làng. Công việc ông chủ giao cho ông Giáo lúc đó là chăm đàn trâu béo tốt.
Theo chia sẻ của ông trong những bài báo trước đây, những tháng ngày ban đầu làm quen với đàn trâu ông rất sợ và nhiều cơ cực vì chúng rất hung dữ. Tuy nhiên, với tình yêu thương ông đã biến chúng thành những người bạn ngoan ngoãn và mang nhiều duyên nợ với ông sau này.
Anh hùng lao động Hồ Giáo. Ảnh: Thanh niên |
Năm 17 tuổi, ông Giáo trốn nhà đi bộ đội và phục vụ trong ngành quân đội đến năm 1960 (năm ông 30 tuổi) thì chuyển công tác sang trại chăn nuôi ở Ba Vì (Hà Tây). Năm 1966, ông được phong danh hiệu anh hùng lao động do có nhiều thành tích trong chăn nuôi như: thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh cho heo, bò.
Năm 1978, ông Giáo được điều vào Sông Bé để tạo dựng Trung tâm trâu sữa. Hai năm sau đó, ông lại được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động lần hai.
Năm 1991, ở tuổi 61, ông về hưu. Nhưng mới nghỉ được hai tháng, ông lại nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Về Quảng Ngãi tiếp tục nuôi trâu!” và tiếp tục gắn bó với nghề chăn trâu tới tận năm 2010, khi ông 80 tuổi.
Không chỉ nổi tiếng trong ngành chăn nuôi, ông Giáo đã trở thành hình tượng trong văn học với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: "Cỏ non" của Hồ Phương và "Cô bê 20" của Phạm Biển, "Bài ca anh Hồ Giáo" của Nhật Lai…
H.Minh (tổng hợp)