Những cầu thủ như Son Heung-min chỉ có cơ hội duy nhất để được miễn nhập ngũ, đó là đoạt huy chương Olympics hoặc vô địch Asiad.
Tờ Guardian cho hay sau bàn thắng lịch sử của tuyển Olympic Việt Nam trước Olympic Syria tối qua ở vòng tứ kết ASIAD, Việt Nam đã có được tấm vé vào bán kết ASIAD 2018 và có màn đối đầu với Hàn Quốc ở trận bán kết.
Olympic Hàn Quốc được đánh giá là tuyển mạnh với sự góp mặt của tiền đạo ngôi sao Son Heung-min. Trong trận gặp gỡ này, tiền đạo Son Heung-min không chỉ chiến đấu vì màu cờ sắc áo mà còn vì phần thưởng lớn lao khác: Được miễn nghĩa vụ quân sự.
Cầu thủ bóng đá Hàn Quốc Son Heung-min. Ảnh: Goal |
Theo đó, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự từ năm 1957 và yêu cầu mọi nam công dân tuổi từ 18 đến 27 phải nhập ngũ và phục vụ quân đội trong khoảng 2 năm tùy vào quân binh chủng.
Quy định này đã được thực hiện nghiêm ngặt từ hàng chục năm qua với mọi nam thanh niên Hàn Quốc, dù đó có là ngôi sao thể thao đang thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh như Son Heung-min.
Tuy nhiên, hiến pháp Hàn Quốc quy định các vận động viên đoạt huy chương tại Thế vận hội (Olympic Games) hoặc huy chương vàng tại Á vận hội (Asiad) sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự. Họ chỉ phải trải qua 4 tuần huấn luyện quân sự cơ bản, sau đó có thể tiếp tục sự nghiệp thể thao của mình mà không lo bị "chôn vùi tuổi xuân" trong doanh trại.
Có khá nhiều vận động viên của Hàn Quốc đã được miễn nhập ngũ theo quy định này, như đội bóng đá nam đoạt huy chương đồng Olympics 2012, vận động viên cầu lông đoạt huy chương vàng Olympics 2008 Lee Yong-dae, hay vận động viên tennis Hyeon Chung, người đoạt huy chương vàng Asiad 2014.
Năm 2014, đội tuyển Olympics Hàn Quốc đánh bại Triều Tiên để đoạt huy chương vàng tại Asiad và toàn bộ các cầu thủ trong đội được miễn nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, Son Heung-min lại không tham gia giải đấu này vì câu lạc bộ Bayer Leverkusen từ chối cho anh về phục vụ đội tuyển, do trùng lịch thi đấu ở Champions League.
Son Heung-min từng thử vận may của mình tại Olympics 2016 ở Brazil, nhưng không thể cùng đội tuyển Hàn Quốc đoạt huy chương. Son năm nay 26 tuổi và theo quy định, anh sẽ phải trở về Hàn Quốc để thực hiện nghĩa vụ quân sự vào năm tới, nếu không được miễn.
Bởi vậy, kỳ Asiad lần này ở Indonesia được coi là cơ hội cuối cùng để cầu thủ này không phải nhập ngũ, nếu anh và đội tuyển Hàn Quốc có thể bước lên bục cao nhất của môn bóng đá nam.
Chỉ cần thất bại trước đội tuyển Việt Nam trong trận bán kết, Son Heung-min sẽ phải đối mặt với thực tế rằng anh sẽ không được chơi bóng trong gần hai năm tiếp theo, phải cắt tóc theo kiểu nhà binh, sống trong doanh trại với tiền phụ cấp chưa đầy 130 USD mỗi tháng và phải trải qua chương trình huấn luyện đầy cực khổ.
Những nam công dân Hàn Quốc cố tình trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ phải ngồi tù tới ba năm và hứng chịu sự dè bỉu của cả xã hội. Với những người nổi tiếng, hậu quả của hành động này càng nghiêm trọng.
"Bạn càng nổi tiếng thì càng khó thoát khỏi việc thực hiện nghĩa vụ quân sự", James Hoare, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại Viện Chatham, cho biết. "Không hệ thống nào trên thế giới là không có lỗ hổng, nhưng nếu bạn tận dụng kẽ hở để trốn thực hiện nghĩa vụ với đất nước ở Hàn Quốc, bạn sẽ không được nhìn nhận một cách tích cực".
Hoare cho biết việc nhập ngũ được coi là một nghĩa vụ, đồng thời là niềm vinh dự ở Hàn Quốc, cho thấy bạn là công dân Hàn Quốc đích thực biết quan tâm đến lợi ích quốc gia, ngay cả khi bạn đang có một sự nghiệp rực rỡ.
"Quân đội Hàn Quốc là một tổ chức rất quyền lực và họ có xu hướng không quan tâm việc bạn giàu có hay nhiều ảnh hưởng đến đâu", ông nói.
Trước đó, năm 2012, cầu thủ Park Chu-young lúc đó thi đấu cho câu lạc bộ Arsenal đã dùng thẻ cư trú xin được ở Monaco để xin hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 10 năm. Hành động này của Park đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích giận dữ ở Hàn Quốc, khiến anh bị loại khỏi đội tuyển quốc gia, phải trở về Seoul để xin lỗi và nhà chức trách Hàn Quốc sau đó siết chặt các quy định về hoãn nghĩa vụ quân sự liên quan đến thẻ cư trú ở nước ngoài.
Minh Di (tổng hợp)