Xứ sở kangaroo đang dấy lên cuộc vận động ăn thịt loại thú này nhằm bảo vê hệ sinh thái.
Kangaroo được xem là biểu tượng của Australia. Ảnh: internet |
Australia kêu gọi người dân ăn thịt bớt kangaroo, loài vật biểu tượng của nước này, để giải quyết tình trạng số lượng kangaroo tăng vượt tầm kiểm soát, Smithsonian đưa tin.
Nguyên nhân là lượng mưa lớn ở Australia trong khoảng 10 năm qua khiến cây cối phát triển mạnh. Thức ăn dồi dào dẫn đến số lượng kangaroo tăng nhanh. Số lượng kangaroo đang tăng chóng mặt, từ 27 triệu con năm 2010 lên 45 triệu con năm 2016, theo BBC News.
Kangaroo được tôn vinh như một biểu tượng quốc gia của Australia, thậm chỉ còn xuất hiện trên quốc huy. Cũng chính vì lý do này mà nhiều du khách hiếu kỳ muốn nếm thử thịt của loại vật này. Tuy nhiên, một số người Úc coi kangoroo là biểu tượng quốc gia, ăn nhậu hay bắn hạ là chuyện không chấp nhận được. Tuy nhiên ngày càng nhiều người Úc sốt sắng với các món ngon lạ miệng làm từ thịt roo…
Số lượng kangaroo đang tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây tại quốc gia này. Ảnh: internet |
Trước giờ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng cừu và bò thải ra nhiều khí methane, loại khí không thân thiện với môi trường. Nay trong bản tường trình về thay đổi khí hậu và lối sống, thực hiện theo đặt hàng của Chính phủ Úc, nhà kinh tế Ross Garnaut xác nhận kangaroo là loại thú không ợ ra khí methane.
Sắp tới Úc sẽ thực hiện chế độ trao đổi thán khí, các khí thải không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế. Khi ấy, giáo sư Garnaut dự đoán tập quán canh tác và ăn uống của người Úc sẽ thay đổi. Sớm muộn gì chủ nông trại sẽ phải mua giấy phép để thải thán khí, một ký thịt bò sẽ mắc hơn trước.
Giáo sư Garnaut tin rằng công nghệ nuôi bò và cừu để giết thịt sẽ khó sinh lời liên tục trong hoàn cảnh thay đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn tại Úc như bây giờ. Theo ông, khi đó mọi người sẽ chuyển sang ăn thịt khác rẻ hơn, thứ mà trong quá trình nuôi trồng không tạo ra thán khí. Đó có thể là roo (đọc là ru, từ chữ kangaroo - LTG).
Đưa kangaroo lên bàn ăn đang là vấn đề gây nhiều trang cãi. Ảnh: internet |
Đây không phải lần đầu tiên Australia gặp tình trạng số lượng cá thể của một loài vật vượt quá mức kiểm soát. Một mối đe dọa khác của nước này là cóc mía, loài lưỡng cư Bắc Mỹ có độc do nông dân đưa về để ăn những côn trùng gây hại cho mía những năm 1930. Chúng sinh sôi quá mức và trở thành một ví dụ điển hình cho sự nguy hiểm của các loài ngoại lai xâm lấn.
Kangaroo vốn sinh sống tại Australia chứ không phải loài vật ngoại lai xâm lấn. Tuy nhiên, các quan chức địa phương hy vọng người dân sẽ ăn thịt kangaroo nhiều hơn để bảo vệ hệ sinh thái nước này.
Quỳnh Chi (tổng hợp)