Nhà thầu phụ đang ở đâu sau tai nạn nghiêm trọng?; tổng trọng lượng giàn giáo bị sập bao nhiêu tấn? Có hay không công nhân bị bắt vào làm việc khi giàn giáo rung lắc? … là ba trong số nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ được dư luận đặc biệt quan tâm liên quan đến vụ sập giàn giáo nghiêm trọng tại khu kinh tế Vũng Áng làm hơn 10 người chết, hàng chục người bị thương tối ngày 25/3.
Nhà thầu phụ đang ở đâu?
Liên quan đến vụ sập giàn giáo tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) làm hơn 10 người tử vong và hàng chục công nhân khác bị thương, trao đổi với phóng viên VTV chiều qua, đại diện nhà thầu Samsung C&T cho biết, tất cả các công nhân bị thiệt mạng và bị thương trong vụ tai nạn đều chịu sự quản lý của nhà thầu phụ. Tuy nhiên, Samsung C&T cũng đứng ra nhận mọi trách nhiệm liên quan đến vụ việc này.
Trong buổi họp báo sáng 27/3, ông Thái Chi Pháp, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Tĩnh cùng đồng sự đã xin được cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam về sự cố tai nạn nghiêm trong trên.
Ba dấu hỏi vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng
Về trách nhiệm liên quan, đại diện Fomosa cho biết, hệ thống thiết bị tại công trường do nhà thầu nhập về, lắp đặt và thao tác. Chủ đầu tư cũng đã kiểm tra về độ an toàn của thiết bị.
Ông Chin Heng Ha, Giám đốc văn phòng dự án Samsung C&T Việt Nam cũng khẳng định hệ thống thiết bị được nhập về từ Thụy Điển và đã qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng Việt Nam.
“Về đội ngũ lao động, Nibel chỉ là đơn vị cung cấp nhân lực có kỹ thuật, điều hành, vận hành là của sam sung”, lãnh đạo nhà thẩu khẳng định.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, là đơn vị cung cấp nhân lực, Nibel không thể lặng im sau sự cố tai nạn nghiêm trọng này.
Đề cập đến vấn đề này, theo phản ánh của VTV trong bản tin thời sự 11h trưa 27/3, phóng viên đã liên lạc với đại diện Nibel nhiều lần nhưng người này vẫn nói đang đi công tác chưa về.
“Vậy vị lãnh đạo này đang ở đâu? Thật khó hiểu, thời điểm này mà lãnh đạo công ty vẫn đi công tác được trước sự cố tai nạn nghiêm trọng”, VTV bình luận.
Giàn giáo bị sập bao nhiêu tấn?
Từ khi xảy ra vụ sập giàn giáo nghiêm trọng tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), các báo đều thông tin giàn giáo đổ với hàng chục, hàng trăm khối sắt thép nhưng đến nay các kỹ thuật viên của nhà thầu vẫn chưa cung cấp được cho cơ quan chức năng khối lượng chính xác là bao nhiêu tấn.
Trong báo cáo nhanh chiều 26/3, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã công bố nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai nạn ở khu công nghiệp Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là hệ thống phanh thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ giàn giáo đúc bê tông dài 40 m, rộng 35 m, cao 25m đổ sập xuống từ độ cao khoảng 20 m.
Tại họp báo sáng 27/3, một cán bộ cấp cao của Tập đoàn Sam Sung (vừa từ Hàn Quốc sang) và ông In Chung Ha, Trưởng văn phòng Sam Sung tại KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) đều khẳng định, thiết bị giàn giáo phục vụ đúc giếng chìm thi công cầu đê chắn sóng tại Cảng Sơn Dương được nhập khẩu từ Thụy Điển, là một thiết bị hiện đại, đã từng được sử dụng thi công tại nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Hàn Quốc, Singapore.
Trong khi đó, theo bản tin thời sự VTV1 lúc 11h ngày 27/3, cho biết, sáng nay, tại hiện trường vụ tai nạn sập giàn giáo tối 25/3, các điều tra viên đã nghe báo cáo từ các kỹ thuật viên các thông tin về giàn khoan đổ sập. Tuy nhiên, khi điều tra viên hỏi về tổng trọng lượng giàn giáo bị sập bao nhiêu tấn thì các kỹ thuật viên chưa có thông tin cụ thể.
Công nhân bị bắt vào làm việc khi giàn giáo rung lắc?
Một trong những thông tin liên quan đến vụ sập giàn giáo được dư luận quan tâm là tiết lộ của một số nạn nhân vụ sống sót sau vụ tai nạn cho rằng khoảng 30 phút trước khi đổ sập, giàn giáo đã có biểu hiện rung lắc, một số công nhân định bỏ chạy nhưng quản lý người nước ngoài nói vẫn an toàn và yêu cầu quay lại làm việc.
"Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 25.3, khi tôi và nhiều công nhân đang làm việc trên giàn giáo thì nghe tiếng rắc, giàn giáo bị rung chuyển và có dấu hiệu bị xê dịch", Anh Phan Anh Dũng (23 tuổi, quê Quảng Bình) chia sẻ trên báo Thanh niên.
Cũng theo anh Dũng, khi đó anh và các công nhân leo xuống khỏi giàn giáo, bỏ chạy vì sợ giàn giáo sập nhưng bị người chỉ huy công trình yêu cầu quay lại làm việc.
“Chúng tôi chạy ra khỏi khu vực giàn giáo được ít phút thì được lệnh từ người chỉ huy công trình yêu cầu quay lại làm việc. Chúng tôi đã phải quay lại và sau đó khoảng 30 phút thì giàn giáo sập”, anh Dũng kể.
Anh Dũng bị một thanh sắt đè lên người, bị gãy chân, sau đó được các công nhân đưa ra ngoài và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Trao đổi trên Tuổi trẻ trước nghi vấn này, ông Lê Tiến Dũng, phó giám đốc Sở LĐ-TB và XH Hà Tĩnh, cho biết chưa đánh giá được nguyên nhân vụ tai nạn nhưng trước mắt sở sẽ cùng một số cơ quan liên quan làm rõ sự việc, trong đó có chi tiết các công nhân phản ánh và kiểm tra công tác quản lý lao động trên toàn bộ các công trình thuộc dự án đầu tư.
Ngay đầu buổi họp báo sáng 27/3, PV Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi: Trong vụ sập giàn giáo, công nhân điều trị tại bệnh viện có tố cáo khi có dấu hiệu thiếu an toàn (giàn giáo rung, lắc) công nhân đã bỏ chạy ra ngoài. Nhưng sau đó quản đốc người Hàn quốc yêu cầu quay lại làm việc và dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng, tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý thông tin này như thế nào? Về phía Samsung đã xác minh thông tin chưa và hiện nay người quản đốc này đã rời khỏi Việt Nam chưa?
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh và nhà thầu Samsung đều né tránh. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh và ông Phạm Trần Đệ, phó ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đều tránh né và cho rằng chờ cơ quan liên ngành làm rõ nguyên nhân mới có thể trả lời cụ thể.
Nhà thầu Samsung cũng không trả lời câu hỏi này dù PV Tuổi Trẻ và nhiều PV các báo nhắc lại nhiều lần.
H.Minh (tổng hợp)