(Tinmoi.vn) “Tiêm vác xin nhầm sang thuốc mê thì khó lắm, chuyện không tưởng, cực kỳ vô lý!”, một bác sĩ thốt lên trước thông tin 3 trẻ chết sau khi tiêm chủng là do y tá tiêm nhầm thuốc mê.
Theo nguồn tin trên báo Thanh niên chiều 1/4, cơ quan điều tra đã đủ chứng cứ, lời khai chứng minh y tá Thuận đã không tiêm vắcxin viêm gan B cho 3 cháu bé mà tiêm nhầm thuốc gây mê, có độc tố.
Trao đổi với phóng viên sáng nay (2/4), ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, hiện chưa nhận được văn bản kết luận của cơ quan công an mà cũng chỉ nghe những thông tin trên qua truyền thông.
“Sở y tế chưa nhận được văn bản kết luận của cơ quan điều tra, sự việc nhạy cảm nên trong quá trình điều tra chúng tôi cũng không hỏi”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết, Sở Y tế đã trực tiếp làm việc với địa phương, nhắc đơn vị phối hợp với cơ quan công an để tìm ra nguyên nhân, chấn chỉnh quy trình tiêm vacxin. Bản thân ông cũng rất bất ngờ trước thông tin nhầm lẫn thuốc có chất gây mê, độc tố với vacxin. Bởi quy trình tiêm vacxin rất chặt chẽ, không được để lẫn thuốc khác với vacxin…
“Quy trình tiêm vacxin Bộ y tế đã có quy định chặt chẽ, cụ thể: quản lý như thế nào, khi tiêm như thế nào, vacxin gì tiêm tháng thứ mấy….Nếu thông tin tiêm nhầm là thật thì không hiểu họ làm thế nào mà lại có sơ suất như vậy”, ông Thành nói.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi trao đổi thêm với bác sĩ H. ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội về quy trình cấp, lưu trữ và sử dụng thuốc mê hoặc các loại thuốc có chất gây mê, độc tố. Tuy nhiên, khi phóng viên vừa đặt vấn đề, bác sĩ này đã tỏ sự bất ngờ.
“Tiêm vác xin nhầm sang thuốc mê thì khó lắm, chuyện không tưởng, cực kỳ vô lý!”, ông H. nói.
Cũng theo ông H., các bệnh viện đều có khoa hồi sức cấp cứu nên thuốc gì cũng được sử dụng chứ không bị hạn chế theo tuyến huyện, tuyến tỉnh, trung ương. Việc nhầm thuốc chỉ xảy ra do chuyên môn kém hoặc không cẩn thận.
Với các loại thuốc mê, thuốc có chất gây mê, độc tố, ông H. cho biết việc bảo quản trong các bệnh viện rất cẩn thận. Chúng thường được bỏ vào từng tủ riêng nên việc lẫn với vacxin là rất vô lý.
“Sự nhầm lẫn này cực kỳ vô lý. Thông thường loại thuốc này thường gắn với phòng phẫu thuật hoặc phòng đẻ khi bác sĩ dùng trong trường hợp để làm co bóp tử cung, giúp quá trình đẻ nhanh hơn. Hơn nữa, trong bệnh viện các loại thuốc cũng phải để riêng ra từng tủ, nhất là các loại thuốc độc loại A, loại B, thuốc an thần... buộc phải để riêng biệt và y tá chỉ được lấy ra, sử dụng khi có lệnh bác sĩ điều trị, lãnh đạo bệnh viện”, bác sĩ H. phân tích.
Ở góc độ chuyên môn, ông H. cho hay, thuốc gây mê chỉ sử dụng trong những trường hợp thật cần thiết và có hỗ trợ của máy móc trong việc hô hấp, nếu không sẽ dễ dẫn đến tử vong, nhất là với trẻ sơ sinh.
H.Minh