Đại diện Sở GD-ĐT Lâm Đồng khẳng định, bài toán lớp 3 "hóc búa" gây xôn xao dư luận không nằm trong đề thi hay bài tập. Đây là bài toán trong cuốn vở bài tập toán in sẵn, được giáo viên photo gửi cho học sinh về nhà ôn tập trước khi thi học kỳ 2.
Liên quan đến bài toán lớp 3 “hóc búa” thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế mấy ngày nay, trao đổi trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, bài toán này không nằm trong đề thi hay bài tập.
“Đây là bài toán trong cuốn vở bài tập toán in sẵn, được giáo viên photo gửi cho học sinh về nhà ôn tập trước khi thi học kỳ 2”, ông Long khẳng định.
Cũng theo ông Long, ông có nhận được bản sao bài toán đó do một phụ huynh học sinh ở thành phố Bảo Lộc chuyển đến nhưng không nêu danh tính, địa chỉ hoặc trường học nào. Họ chỉ nêu thắc mắc sao toán lớp 3 khó quá, học sinh và cả phụ huynh cũng không giải được.
“Chúng tôi đang đề nghị Phòng Giáo dục TP.Bảo Lộc tìm cho ra giáo viên nào photo bài toán đó cho học sinh ôn tập để nhắc nhở, đồng thời tìm cho ra cuốn vở bài tập in sẵn đó để biết nhà xuất bản nào. Trên cơ sở đó Sở sẽ phản ánh với Bộ GD-ĐT để xử lý nhà xuất bản”, Ông Long nói và khẳng định Sở và Phòng không có chủ trương ra đề khó như vậy.
Đề bài toán cùng yêu cầu: "Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho". |
Trước đó, như tin tức đã đưa, ngày 18/5 trên Vnexpress đăng tải một bài toán lớp 3 do một phụ huynh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng chia sẻ. Bài toán nhanh chóng “gây bão” dư luận trong nước với nhiều ý kiến đánh giá “siêu khó”, một số tiến sĩ cũng phải “xin khất”. Không chỉ thế, ngày 20/5, bài toán này còn xuất hiện trên một số trang báo quốc tế, gây xôn xao với hàng nghìn bình luận.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên dạy Toán, thậm chí là tiến sĩ toán học, bài toán này khó ngay cả với những người lớn giỏi toán, vì vậy sẽ rất khó cho học sinh lớp 3.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lê Minh Hà, Trưởng khoa Toán – Cơ – Tin (đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Tôi ngồi giải cũng mất thời gian và không đơn giản".
Theo PGS. TS Lê Minh Hà, bài toán này không phải để đưa vào đề ôn tập và cũng không nên cho vào thi học kỳ. Nếu là thi học kỳ thì giáo viên sẽ ra bài tập ở mức độ cơ bản để kiểm tra kiến thức của học sinh trong năm học. Những bài dạng này chỉ mang tính chất đố vui và rèn luyện tư duy cũng như dành cho ai thích thú với kiểu giải toán đố.
“Kiểu bài này chắc chắn không dùng để thi được vì giải nó có lẽ mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ, thậm chí đề bài này dành được cho học khối cấp II (từ lớp 6 đến lớp 9) cũng đã khó chứ đừng nói lớp 3”, thầy Hà khẳng định.
Theo PGS. Hà phân tích, khi đưa ra đề bài có thể người ra đề không lường trước được mức độ khó khăn đối với học sinh. Bài toán quá khó với các em lớp 3, khi lứa tuổi này chưa đủ trưởng thành về mặt tư duy logic. Chỉ ngoại trừ những em có cách nhìn nhận đặc biệt, có thể thấy ngay cách làm. Nhưng với trình độ mặt bằng chung của lớp 3 thì hơi khó.
Nhiều độc giả, phụ huynh học sinh cũng cho rằng, đề này quá khó với học sinh lớp 3 nhất là với những học sinh trường bình thường.
Trên trang Vnexpress, có gần 3.000 ý kiến bình luận sau bài viết “Bài toán lớp 3 làm khó cả tiến sĩ”, trong đó, nhiều người đã phải “bó tay” trước bài toán này.
“Mình - cử nhân kinh tế - bó tay với bài toán lớp 3 này!”, bạn đọc Lý Gia Thành viết.
Cùng chia sẻ, bạn đọc heyhoo viết: “Tôi học chuyên khối A TOÁN LÝ HÓA trường chuyên cấp tỉnh . nhìn đề bài cho hoa cả mắt luôn,tội nghiệp cho mấy cháu nhỏ quá,không thể tưởng tượng, cái đề này dành cho học sinh lớp 3, thử làm 1 bài test trước các cổng trường ĐẠI HỌC tại TP.HCM. tôi tin chắc 15 phút 1 lần test, tỉ lệ làm được không quá 10% cho sinh viên. không thể tin điều gì đang diễn ra với cách cho đề dành cho học sinh tiểu học hiện tại”.
Còn bạn dọc Nguyen Nam băn khoăn: “Tôi thắc mắc những bài toán đại loại như thế này có giúp gì được cho tương lai các em không nhỉ?”.
Trước đây đã có một số bài toán cũng thu hút sự tranh luận gay gắt từ các phụ huynh như bài toán “tính tuổi thuyền trưởng”. Sau đó, tác giả bài toán đã lên tiếng và đó chính là nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn. Đáp án bài toán là “Không giải được vì đề toán sai”.
Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực cho biết, cách ra đề kiểu này không phải là mới, lạ với thế giới. Vì đối với những người dạy học Toán, bài toán “Tuổi thuyền trưởng” đã trở thành kinh điển, không ai không biết.
H.Minh (tổng hợp)