Để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” chúng ta đã cấm chấm điểm tiểu học, cấm thi học sinh giỏi, cấm học thêm, cấm giao bài tập về nhà, cấm thi tuyển vào lớp 6…và giờ lại là “nhắc nhở” giáo viên cấm không được ra bài tập khó….
Câu chuyện về bài toán khó của cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên – trường Tiểu học Thăng Long (Bảo Lộc – Lâm Đồng) những ngày qua không chỉ gây “sóng” dư luận, “kinh động” đến cả các bậc tiền bối về toán học là các giáo sư, tiến sĩ mà còn làm "náo loạn" cả dư luận…một số quốc gia.
Kết quả là, cô Kim Quyên bị Phòng giáo dục đào tạo "đề xuất nhắc nhở” do ra bài tập quá khó, làm học sinh lớp 3 phải “hại não”, ảnh hưởng đến sự phát triển đúng độ tuổi của các em.
Việc trách 1 giáo viên biết bỏ công sưu tầm, tìm tòi, không chạy theo khuôn mẫu, biết khích lệ dù chỉ 1% học sinh giỏi trong lớp giải bài toán khó là hoàn toàn…vô lý! |
Chuyện phê bình, nhắc nhở giáo viên với một lý do khá…hợp lý như Phòng giáo dục và đào tạo Bảo Lộc đưa ra sẽ chẳng có gì phải bàn nếu như sự việc không rơi đúng vào bối cảnh cuối năm học, khi phụ huynh và học sinh tiểu học trong cả nước đang nô nức đi tổng kết, nô nức nhận giấy khen và rồi thở dài, ngao ngán vì cả trường…cháu nào cũng giỏi, cháu nào cũng được khen.
Có lớp 40 cháu thì có đến 38 cháu được nhận giấy khen, cháu thì được khen “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của học sinh”, cháu thì được khen “tích cực tham gia các hoạt động giáo dục” - đi học không tham gia vào các hoạt động giáo dục thì làm gì? có cháu lại được khen “giỏi về kiến thức kỹ năng” – vậy kiến thức gì? Kỹ năng như thế nào?, có cháu được khen “Có ý thức về trách nhiệm, tự phục vụ và tự quản” rồi thì “hoàn thành xuất sắc toàn diện năm học 2014 – 2015”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện”…rồi thậm chí có cháu được khen “tích cực tham gia các hoạt động Từ thiện”…
Nói không ngoa, nếu như chẳng may không nhìn vào tên lớp và tên trường tiểu học ghi trên giấy khen, không ít người sẽ bị nhầm là giấy khen dành cho nhân viên của một cơ quan, ban ngành nào đó vì ngôn ngữ quá nghiêm trọng, mô phạm và….khẩu hiệu.
Hệ quả này từ đâu? Chẳng phải từ mong muốn giảm áp lực học tập cho học sinh? Giúp những học sinh yếu, kém không tự ti (cháu nào cũng được khen); khiến các bậc cha mẹ không có áp lực phải đẩy con vào cuộc đua khốc liệt về kiến thức ngay từ tiểu học.
Nhưng việc giảm áp lực không đồng nghĩa với việc “triệt tiêu” động lực phấn đấu của các em trong học tập. Để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” chúng ta đã cấm chấm điểm tiểu học, cấm thi học sinh giỏi, cấm học thêm, cấm giao bài tập về nhà, cấm thi tuyển vào lớp 6…và giờ lại là “nhắc nhở” giáo viên cấm không được ra bài tập khó….
Chúng ta dường như đang nhầm khái niệm giảm áp lực học tập với hành động khiến học sinh “dàn hàng ngang cùng tiến”…hoặc cũng có thể là cùng lùi? Môi trường giáo dục rốt cục cũng giống như cuộc sống, cần có cạnh tranh, có người giỏi, người kém, có cái khó, cái dễ, có mức độ này dành cho đối tượng này và mức độ kia dành cho đối tượng kia. Câu chuyện của bài toán lớp 3 cũng vậy, một bài toán khó không phải dành cho tất cả học sinh trong lớp mà chỉ dành cho vài em thậm chí 1 em có năng lực đặc biệt duy nhất và cô giáo kia cũng không hề ép tất cả học sinh trong lớp phải giải được bài toán này.
Vì vậy, việc trách 1 giáo viên biết bỏ công sưu tầm, tìm tòi, không chạy theo khuôn mẫu, biết khích lệ dù chỉ 1% học sinh giỏi trong lớp giải bài toán khó là hoàn toàn…vô lý.
Chúng ta chịu “đối mặt” với một bài toán khó để nuôi hi vọng có thêm nhiều Ngô Bảo Châu trong tương lai, hay tạm hài lòng với những tờ giấy khen “khẩu hiệu” mà cháu nào cũng có nhưng….không hề vui.
Minh Minh