Nhiều người bây giờ khi mua sách cho con mình thì phải đặt tiêu chí “sạch” lên trên cả hai tiêu chí hấp dẫn và đẹp, giống hết khi lựa chọn hoa quả, ai cũng lo lắng mình mua phải loại có thuốc trừ sâu.
“Sạch” quan trọng hơn cả hay, đẹp
Nói về câu chuyện cổ tích có nội dung thô tục, bạo lực như trên, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ đọc sách cùng con (Hà Nội) cho biết, truyện cổ tích gần gũi với đặc trưng tư duy của trẻ, cho trẻ cái nhìn về thế giới theo kiểu của chúng, khiến chúng không hề cảm thấy xa lạ hoặc kinh ngạc, không có những phản ứng kiểu như: “Vớ vẩn! Không có thật!” hay “Cáo thì làm gì biết nói!”.
Về mặt cảm xúc, những câu chuyện cổ tích kể về thế giới kỳ lạ, bứt ra hẳn với thế giới hiện đại hàng ngày trẻ vẫn tiếp cận, không cho trẻ những thông tin cụ thể mà cho trẻ cảm nhận được thế giới bên trong của nhân vật.
Tính cách nhân vật, những hành động khắc họa tính cách ấy, đem lại cho trẻ khái niệm về cách hành xử của cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn, sự độc ác, hay ghen ghét đố kỵ của mẹ con cô Cám, tính ích kỷ của vợ của ông lão đánh cá, tính tham lam của người anh trong truyện Cây khế, tính hèn nhát của Lý Thông, lòng trung thực, chính trực của Thạch Sanh...
Xuất phát từ góc nhìn như thế, tiến sĩ Thụy Anh cho rằng, truyện cổ tích càng “cổ” càng tốt, càng hoang đường, càng có ngôn ngữ riêng xây dựng nên một thế giới riêng, đặc trưng cho những tích truyện xa xưa kỳ lạ, dành riêng cho những nhân vật không có thật... càng có được hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ đối với sự tiếp nhận của trẻ.
Một nữ sinh trung học tìm sách ngôn tình chất đầy trên kệ ở cửa hàng sách tại TP. HCM. |
Vì vậy, không có lý do chính đáng nào đòi hỏi truyện cổ tích phải mang hơi thở của thời đại trẻ đang sống, các nhân vật phải có lời thoại hiện đại, buông tuồng, suồng sã, thậm chí thô tục... như trong một số cuốn truyện hiện nay.
"Khi tiếp xúc với những văn bản "không có văn" như thế, trẻ dễ bắt chước những câu cú ngô nghê, bất hợp lý, trí tưởng tượng của trẻ sẽ bị "kìm kẹp", vốn từ vựng bị nghèo đi, thế giới lung linh trong trẻ về những điều xa xôi thần kỳ bị tàn hại", TS. Thụy Anh bày tỏ.
TS. Thụy Anh cũng cho biết, khi chọn sách cho con, chị luôn đưa ra các tiêu chí là phải sạch, hay và đẹp. "Buồn thay, tiêu chí "sạch" lẽ ra không phải có ở đây, giờ lại là tiêu chí đầu tiên cho việc lựa chọn ấn phẩm thiếu nhi!
Cũng như rau quả đang bị phun thuốc sâu, ngâm tẩm chất hóa học, thì sách cũng đã và đang bị đưa vào nhiều điều có hại cho nhận thức của trẻ", TS. Thụy Anh bộc bạch.
Hại cả một lớp người?
Theo TS. XHH Lưu Hồng Minh (Học viện báo chí tuyên truyền) thì sách báo, truyền thông đại chúng luôn có sự ảnh hưởng nhất định, nhiều hay ít đến mỗi người. Mặc dù ai cũng có sự chọn lọc thông tin, biết phân biệt thực tế và thế giới ảo, hành động theo những gì mình cho là đúng nhưng dù gì đi nữa cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi những thông tin mình tiếp cận hàng ngày.
Với lứa tuổi teen thì sự ảnh hưởng đó sẽ nhiều hơn. Với những sách truyện ngôn tình dành cho lứa tuổi 18+, 20+ với rất nhiều những từ ngữ ướt át, gợi tình, gợi dục có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và gu thẩm mỹ chưa được định hình của các em.
Nếu đọc quá nhiều để rồi chìm sâu vào thế giới ảo trong những chuyện tình ướt át đó, có thể một số người với tâm lý yếu đuối sẽ rơi vào một sự thất vọng trước những sự thực không giống như mình vẫn hình dung và cũng có thể sẽ dẫn đến những hành động dại dột, thiếu suy nghĩ.
Và không gì có thể chứng minh rằng những trang viết mang tính ướt át, gợi dục được gọi là “H văn” sẽ không gây nghiện cho nhiều người. Một lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về thực tế khó khăn, khắc nghiệt và thay đổi gu thẩm mỹ cũng như tư duy chọn sách của mình.
Nhà văn Dương Hướng cho rằng truyện ngôn tình của Trung Quốc tràn ngập thị trường sách Việt Nam làm cho phần lớn số độc giả là chị em phụ nữ, đặc biệt là lớp trẻ thích đọc nó tới mức mê mụ thì quả là chuyện cần quan tâm.
"Tôi không tin nó là những ấn phẩm có giá trị về văn chương đích thực. Tôi nghĩ nó cũng chỉ giống như trò chơi giải trí, gây tò mò, gây sốc bằng những thủ thuật đánh vào tâm lý, tình cảm riêng tư, vào những góc khuất của tâm hồn chị em phụ nữ, hoặc gây cho giới trẻ cảm giác lạ.
Đọc nó có thể rất mùi mẫn dễ dãi như ta nghe cải lương hoặc nó cũng hấp dẫn như phim sex, hoặc như chơi game. Có người đọc giải sầu, có người đọc vì tò mò. Nhưng sự tò mò dẫn đến mê mụ, say mê cuộc sống ảo trong truyện mà quên đi thực tại, có nguy cơ gây hại đến cả một lớp người, đặc biệt là giới trẻ thì quả là chuyện không thể làm ngơ”.
Như Cương