Hồi 19 giờ chiều 14/9, bão số 10 (bão Doksuri) mạnh cấp 12, gió giật cấp 17 đã vượt qua quần đảo Hoàng Sa và đang ở cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình 360km.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. Ảnh: NCHMF |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ tối (14/9), vị trí tâm bão đang ở cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 đến 135 km/giờ), giật cấp 15.
Với cấp gió này khi đi vào vùng biển nước ta, bão số 10 ở mức cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4 (rất lớn), tiệm cận với cấp độ 5 (thảm họa).
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20- 25km và còn mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Cây đổ đè vào xe biển xanh ở Huế. Ảnh: Giao thông |
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng trưa đến chiều mai (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, từ nay đến hết đêm ngày (15/9), ở các tỉnh từ Quảng Ngãi - Nghệ An có mưa to đến rất to (100-300mm), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm.
Từ ngày 15/9 đến hết ngày 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm).
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, từ ngày 15-17/9, trên các sông từ Thanh Hóa - Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế.
Dù chưa cập bờ song bão số 10 đã gây thiệt hại nhất định, ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, đến 18h chiều nay trên địa bàn đã có một người chết, đó là ông Ngô Văn Hiển (SN 1974, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) chết nghi do ngã rồi bị lũ cuốn trôi và cháu Nguyễn Viết Sáng (3 tuổi, trú thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) mất tích nghi do sóng biển cuốn.
Trong chiều 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão ở các tỉnh miền Trung.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, nguy hiểm. Bão di chuyển nhanh cùng thời điểm với triều cường, do đó, nếu không phương án ứng phó thì hậu quả sẽ khó lường. Các Bộ ngành, địa phương cần tập trung có các phương án hiệu quả nhất để giảm thiểu thiệt hại do bão đi qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn các hoạt động trên biển; các tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn. Đối với vùng ven biển, trên bờ, các địa phương cần tiến hành cấm biển trong ngày hôm nay, đảm bảo an toàn tàu thuyền vào nơi tránh trú; tập trung thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động tiêu úng; hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sản xuất, lồng bè thủy sản.
Cạnh đó, khẩn trương sơ tán người dân ra vùng nguy hiểm, kiên quyết sơ tán thậm chí cưỡng chế, không để người dân trên lồng bè, chòi cây, khu vực gần đê biển, công trình yếu…; gia cố nhà ở, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, đặc biệt công trình tháp cao. Các công trình hệ thống điện, không đảm bảo mất điện hoặc phải khắc phục nhanh khi có sự cố.
Đức Hòa (tổng hợp)