Mấy ngày qua, người dân tỉnh Khánh Hòa xôn xao với sự kiện bà cụ 76 tuổi mang thai đá hơn 40 năm. Thoạt đầu, nhiều người hiếu kỳ và thêu dệt thêm các tình tiết ma mị xung quanh sự việc tuy nhiên chỉ có bà cụ mới hiểu rõ những kỳ lạ đã và đang diễn ra trong cơ thể mình khi ấp ủ một bào thai đá suốt 40 năm.
Chữa bệnh đau cột sống phát hiện mang thai đá
Chiều 25/3, chúng tôi tìm gặp cụ bà N.T.S (76 tuổi, ngụ tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) tại bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, sau hàng loạt thông tin nhiều chiều về thai đá bất thường trong bụng bà cụ. Lần đầu tiên trao đổi với báo chí, bà S. chia sẻ: “Cách đây hơn 40 năm, tôi đã có một lần sảy thai và đó cũng là lần mang thai cuối cùng của tôi. Lần ấy, tôi bị chảy máu rất nhiều, cứ nghĩ là mất thai rồi xong. Không ngờ bây giờ, bác sỹ lại nói cái thai này trong bụng tôi hơn 40 năm rồi”.
Cụ bà đang nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh
Vốn bị đau mỏi lưng suốt nhiều năm qua, nên bà S. thường tự đến cửa hàng thuốc tây mua thuốc về uống, hoặc nhờ người quen ở xa mua thuốc về xoa bóp. Gần đây, bà đau cột sống, thắt lưng và vùng hạ vị dữ dội nên gia đình đưa vào viện khám và điều trị. Qua thăm khám và chụp X-quang tại bệnh viện, các bác sỹ đã phát hiện vùng tiểu khung có khung xương của một thai nhi (bao gồm hộp sọ, cột sống, các xương sườn và xương đùi). Qua đó bác sỹ chẩn đoán: Trong ổ bụng cụ bà có thai chết lưu.
Bác sỹ CKII Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, cho biết, bào thai trong ổ bụng là một trường hợp rất hiếm gặp của thai ngoài tử cung. Thông thường thai ngoài tử cung nằm ở vòi tử cung. Các vị trí ít gặp hơn là ở buồng trứng, cổ tử cung và rất hiếm là ở ổ bụng. Thai nằm ngoài tử cung dù ở vị trí nào thì cũng sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu nhiều trong ổ bụng (trừ ở kênh cổ tử cung) do khối thai lớn nên rất dễ vỡ. Ngoài ra, nếu trong trường hợp thai nằm trong ổ bụng thì bánh nhau sẽ bám vào các tạng trong bụng như ruột, gan, bàng quang, mạc nối lớn, mạch máu lớn (để lấy máu từ cơ thể về nuôi thai). Vì vậy, nó có thể gây chảy máu trong ổ bụng rất nặng nề, nguy hiểm. Đồng thời, nó cũng rất dễ gây tử vong cho sản phụ.
Trường hợp này, thai nhi đã chết trong bụng của người mẹ và lưu lại ở đó rất lâu nhưng chưa gây nguy hiểm gì cho người mẹ là điều rất hiếm thấy. Hiện tại, cho đến nay trên toàn thế giới cũng chỉ ghi nhận được khoảng 300 trường hợp tương tự. Lần đầu tiên phát hiện là vào năm 1582.
Sản phụ đặc biệt
Vào khoa sản của bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, cụ bà S. tỏ vẻ ngại ngần vì là trường hợp sản phụ đầu tiên của bệnh viện có tuổi đời thất thập cổ lai hy. Nhiều các sản phụ khác tò mò cũng như nhiều người xung quanh thăm hỏi khiến bà cụ khó lòng nằm yên với căn bệnh kỳ lạ. Chồng của bà S. đã mất cách đây một thời gian khá lâu. Hiện tại, cụ bà đang sống chung với hai vợ chồng người con trai út. Công việc hàng ngày của bà là phụ giúp lo việc nhà, làm nội trợ, chăm sóc các cháu để vợ chồng người con trai đi làm. Do đời sống gia đình cũng khá khó khăn và vất vả với công việc của nhà nông nên vợ chồng bà S. nghỉ sinh sớm để việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái tốt hơn. Trước đây, cụ bà đã trải qua bốn lần sinh con. Khi người con trai út của bà được khoảng năm tuổi thì bà lại có thai. Tuy nhiên, cái thai đó bị sảy và từ đó về sau bà quyết định không sinh đẻ nữa. Cụ bà đã mãn kinh từ năm 49 tuổi. Bà cũng không hề hay biết việc cái thai còn sót lại trong bụng trong suốt nhiều năm qua. Khi nghe các bác sỹ trình bày bệnh trạng, bà cụ rất lo lắng, hoang mang. Bà không tin mình lại rơi vào tình trạng éo le như vậy. Một phần bà cũng thương xót cho bào thai đó không được sinh ra trọn vẹn, phần thì nghe bác sỹ nói đây là trường hợp hiếm thấy trong ngành y. “Bà cứ hay chia sẻ với vợ chồng chúng tôi, tại sao quanh năm, suốt tháng cứ bị đau cột sống hoài. Ước gì căn bệnh này biến mất để bà khỏe hơn và sống lâu hơn. Nhiều lần vợ chồng tôi dẫn bà đi khám, nhưng cũng chẳng phát hiện ra điều gì bất thường.
Có lần, bác sỹ nói trong cơ thể bà có khối u nhưng chẳng có gì bất thường. Chúng tôi cứ mong mẹ mình hết bệnh sau khi uống thuốc do bác sỹ kê đơn nhưng bà vẫn đau và nhức mỏi trở lại. Nhiều lúc hết thuốc vài ngày mà không uống nữa, biến chứng lại tiếp tục có khi còn đau hơn”, chị Trần Thị Lợi (con dâu cụ bà) đang chăm sóc bà tại bệnh viện chia sẻ. Nhắc đến chuyện “thai đá” trong người mình, bà đã nhiều lần rưng rưng nước mắt. Bà cũng tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi: “Không biết hình dạng nó như thế nào? Tại sao tôi không hay biết gì về nó? “Thai đá” là gì sao mà nó ở trong người tôi hơn 40 năm qua mà không có chút biến chứng gì?…". Các câu hỏi cứ thế dần dần tăng lên để rồi nỗi thất vọng càng nhiều. Nỗi buồn cứ nhân đôi vì không lời giải thích nào hợp lý và lại trở về con số không như chưa có chuyện gì xảy. Từ lúc mang thai lần cuối cùng đến nay, bà cũng không sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào lạ để ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tìm hướng giải quyết để đảm bảo an toàn cho bà cụ mang thai đá
Ngày 25/3, đại diện lãnh đạo bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cho biết: “Vào ngày 22/2, bệnh viện đã tiếp nhận cụ bà N.T.S. trong tình trạng ổ bụng có thai chết lưu hơn 40 năm. Bà cụ đã được chụp MRI để xác định khối thai có ảnh hưởng gì đến các bộ phận cơ thể xung quanh hay không. Thời gian tới, các bác sỹ của bệnh viện sẽ tìm hướng giải quyết phù hợp và tốt nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cụ bà. Hiện tại, bà đang nằm điều trị với sự chăm sóc tận tình của gia đình và bác sỹ tại đây”.
Theo Đời sống & Pháp luật
Xem thêm Clip: Lộ diện thánh DJ phòng trọ sinh viên