Cầm chiếc khăn len trên tay, nước mắt tôi cứ rơi mãi.
Khi tôi quyết định làm vợ anh, ai cũng phản đối. Mẹ tôi thậm chí còn sốc đến độ tăng huyết áp phải nhập viện điều trị cả tuần. Cả tuần đó, mỗi khi nhìn thấy mặt tôi, bà đều giận dữ, mắng chửi nên cả nhà không cho tôi vào viện chăm mẹ. Ai cũng nói tôi ngu ngốc, có đầu mà không biết suy nghĩ, lại đâm đầu làm vợ một người bị tật nguyền.
Chồng tôi bị tật nguyền ở một bên tay. Thật ra không phải anh bị bẩm sinh mà trong một lần làm việc ở nhà máy gạch, anh không cẩn thận nên bị máy cuốn cả cánh tay vào. Kết quả, cánh tay trái của anh đã cụt lên tận khuỷu. Sau đó, anh nghỉ làm ở nhà máy gạch, ở nhà mở một cửa hàng buôn bán tạp hóa sinh sống qua ngày. Kinh tế nhà anh cũng chẳng dư dả gì.
Trong khi đó, tôi lại tốt nghiệp đại học, là giáo viên cấp 2. Nên quyết định của tôi vấp phải sự phản đối cũng là điều hiển nhiên. Chỉ là tôi yêu anh, tôi cũng cảm nhận được sự an toàn khi ở bên anh. Xã hội này đầy rẫy những người đàn ông đẹp mã nhưng vẫn đối xử với vợ con chẳng ra gì đấy sao? Tôi không muốn sống như vậy.
Sau cả năm không thay đổi được quyết định của tôi, bố mẹ tôi đành chấp nhận. Ngày cưới, nhìn chú rể chỉ có một tay ôm eo cô dâu mà ai cũng ngậm ngùi. Thế nhưng với một tay đó, chồng tôi đã đi sau, nâng váy cho tôi. Với một tay đó, anh đã tỉ mỉ gỡ những mảnh kim tuyến vướng trên tóc tôi một cách nhẹ nhàng, yêu thương nhất.
Với số tiền hai bên gia đình cho khi tổ chức đám cưới, vợ chồng tôi dồn tiền mở rộng cửa hàng tạp hóa. Không chỉ bán hàng bình thường, tôi còn nhập sữa bột, sữa nước rồi đủ các loại mặt hàng khác về bán thêm. Khi những nhãn hàng đến chào hàng, tôi cũng không ngại trưng bày để kiếm thêm tiền. Tôi và chồng cũng lấy tiêu chí khách hàng là thượng đế để đón tiếp. Dù mỏi mệt thế nào chúng tôi cũng vui vẻ, nhiệt tình. Cứ thế, cửa hàng của tôi ngày một đông khách. Đến mức tôi phải thuê thêm người phụ bán để chồng mình nghỉ ngơi bớt.
Về chồng tôi, dù chỉ có một tay nhưng công việc nhà anh vẫn làm hết. Tôi sinh con ở bệnh viện, cơn đau xé ruột gan dường như giảm đi khi anh dùng tay vuốt lưng, vỗ về tôi. Tôi đau quá, anh còn đưa tay bảo tôi cắn cho đỡ đau. Mẹ tôi nhìn cảnh ấy đã thay đổi cái nhìn về anh.
Nằm viện năm ngày là năm ngày anh túc trực bên tôi và con. Chỉ bằng một tay, anh vẫn lau mặt cho tôi, đút tôi ăn, dìu tôi đi vệ sinh. Thậm chí anh còn bồng được con bằng khuỷu tay trái và cánh tay phải. Thấy anh chăm sóc tôi, những người ở viện đều khâm phục. Còn tôi, tôi hạnh phúc khi nhận ra, mình đã lựa chọn đúng người.
Hôm qua, tôi vừa nhận được món quà 20/10 của chồng. Khi cho con ngủ rồi, theo thường lệ, anh lại pha cho tôi một ly sữa ấm và đem vào phòng làm việc cho tôi. Anh ôm lấy tôi, nói cảm ơn vì đã chịu ở bên anh. Tôi cười. Người cảm ơn phải là tôi mới đúng. Nếu làm vợ người khác, chắc gì tôi đã hạnh phúc được như vậy.
Rồi anh lấy một hộp quà đưa tôi. Tôi cười cười, trêu anh vài câu mới mở hộp quà ra. Đó là một chiếc khăn quàng cổ màu đỏ, đen do anh tự tay làm. Dù đường chỉ thêu không sắc sảo như người khác nhưng nó đã khiến tôi bật khóc.
Anh bối rối, hỏi tôi vì sao khóc? Tôi chỉ biết ôm lấy anh. Cách đây nửa tháng, tôi còn hay trách anh khuya mà không chịu ngủ, cứ ngồi ôm điện thoại ngoài ban công. Hóa ra anh đã giấu tôi làm cái khăn này. Quan trọng hơn, nó được làm bởi đôi bàn tay không lành lặn. Cái khăn là tình yêu của anh dành cho tôi. Cuộc đời tôi có được anh xem như đầy đủ rồi, mãn nguyện rồi.
Thúy Phượng
Helino/Trí thức trẻ