Tin nhanh từ lãnh đạo ĐH Quốc gia HN cho biết, kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực không có thí sinh quay cóp, sử dụng tài liệu.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - trưởng ban chỉ đạo kì thi đánh giá năng lực đã bày tỏ những cảm xúc của mình sau khi kỳ thi kết thúc.
Đã có thí sinh đạt 125 điểm
- Đánh giá của ông thế nào sau khi kết thúc 4 ngày thi đánh giá năng lực lần đầu được tổ chức ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Đây là hình thức thi áp dụng công nghệ thông tin. Hầu hết các quy trình từ đăng ký dự thi, làm bài thi, chấm thi, công bố kết quả đều thao tác trên máy tính. Còn hình thức thi, về cơ bản là thí sinh làm bài trắc nghiệm.
Toàn bộ đợt thi chúng tôi tổ chức trên 7 tỉnh, thành phố với 21 điểm thi từ ngày 30/5 đến hết ngày 2/6. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 45.350 thí sinh. Tất cả thí sinh được chia ra làm 8 ca thi, số lượng ca thi khác nhau tùy theo số lượng thí sinh. Bình quân qua thống kê của các ca thi cho thấy tỉ lệ thí sinh dự thi bình quân đạt 96%.
Đây là tỉ lệ rất cao trong các kỳ thi tuyển sinh. Kết quả này cho thấy sự hưởng ứng của xã hội. Sự quan tâm hưởng ứng nhiệt tình, hào hứng của thí sinh. Qua 4 ngày thi vừa qua có thể thấy các bạn thí sinh đã tham gia dự thi tương đối tích cực, trách nhiệm và hợp tác.
Khả năng thích ứng hình thức thi trên máy tính của các bạn là khá tốt. Các bạn không khó khăn với các thao tác trên máy tính được hướng dẫn. Đây là điều rất là đáng mừng. Cũng có những em tham gia vì muốn thử sức, tuy nhiên các em đều thể hiện sự nghiêm túc.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - trưởng ban chỉ đạo kì thi đánh giá năng lực. (Ảnh: Cao Tuân) |
- Việc thí sinh làm bài thi trên máy tính với số lượng lớn như vậy có gây ra những sự cố phát sinh không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Trong các ngày thi, hệ thống phòng thi, máy tính, phần mềm, coi thi, tổ chức thi đều được vận hành tốt, đúng kế hoạch. Không có các lỗi đáng kể về kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng chung của cuộc thi. Không có sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến kỳ thi.
Vì đây là hình thức thi trên máy tính nên chúng tôi đã lường trước được những sự cố và có phương án dự phòng. Ví dụ trong phòng thi máy tính của thí sinh có trục trặc thì sẽ được chuyển sang máy tính khác. Mỗi thí sinh có một tài khoản và dữ liệu đang lưu trên máy chủ, vì vậy việc chuyển sang máy tính khác sẽ tiếp tục làm bài chứ không ảnh hưởng.
Mỗi phòng có dự phòng từ 5-10% máy tính và luôn trong tình trạng khởi động, sẵn sàng hoạt động. Còn nếu như lỗi máy tính hay lỗi thao tác thì thí sinh sẽ được chuyển sang vào các ca thi sau để không gây ảnh hưởng đến kết quả thi.
- Có bao nhiêu trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi trong kỳ thi đánh giá năng lực, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Trong 4 ngày thi (từ 30/5 – 2/6), có 9 trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng. Bởi đây là kỳ thi loại bỏ yếu tố tiêu cực nên việc kiểm tra rất gắt gao.
- Vì sao ông cho rằng việc tổ chức thi bằng bài thi kiểm tra năng lực sẽ loại bỏ tiêu cực?.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Với cách thi này, thí sinh không trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Thời gian làm bài là 195 phút cho 140 câu, mỗi người làm một đề khác nhau do máy tính tổ hợp nên không nhắc nhau được. Thí sinh cũng không quay cóp được vì chúng tôi đã ngăn chặn việc mang tài liệu vào. Trong khi đó thí sinh cũng không biết được đề thi vào phần nào vì rất rộng, ở tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội.
Mỗi người một đề, do máy tính tích hợp ngẫu nhiên nên khả năng lộ đề là không có.
Tại sao không thể lộ đề vì chúng tôi có bộ dữ liệu lớn từ đó tổ hợp ra đề cho từng người. Nó được tổ hợp theo một công thức bao nhiêu câu toán, văn, sinh, sử, địa; bao nhiêu câu lớp 11, lớp 12. Tất cả theo một ma trận. Các đề thi được cân bằng về độ khó. Thí sinh kết thúc thi là được biết điểm qua hệ thống in ra nên hoàn toàn loại bỏ được yếu tố tiêu cực, quay cóp, sử dụng tài liệu của thí sinh như các kỳ thi truyền thống trước đây.
- Được biết, bộ đề thi 140 câu bao gồm tất cả các môn với lĩnh vực kiến thức rộng. Vậy với những học sinh chuyên khối này chắc hẳn sẽ lúng túng với những câu hỏi khó của khối khác?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Thí sinh ngoài 100 câu bắt buộc thì có 40 câu tự chọn theo lĩnh vực tự nhiên hoặc xã hội. Do vậy thí sinh sẽ không lúng túng. Bộ đề thi cũng bám sát kiến thức phổ thông từ đó có thể đánh giá được năng lực toàn diện của các em.
- Kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực, số điểm cao nhất của thí sinh đạt bao nhiêu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Tại các cụm thi Đại học Công nghiệp Hà Nội, đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), đại học Vinh và đại học Kiến trúc (Đà Nẵng), Đại học Thái Nguyên, chúng tôi đã tiến hành tổng hợp với tổng số 10.337 bài thi. Kết quả có 72,8% đạt số điểm từ 70 trở lên.
2 thí sinh đạt điểm cao nhất là 125 điểm. Một thí sinh ở cụm thi Vinh, một thí sinh ở cụm Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Bùi Tuấn) |
Không xem xét phúc khảo bài thi
- Vậy việc thí sinh trúng tuyển sẽ dựa trên những tiêu chí nào?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Kỳ thi đánh giá năng lực để lấy kết quả tuyển sinh vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, các chương trình đào tạo sẽ xét xem bao nhiêu người nộp để xét tuyển từ cao xuống thấp. Riêng với khoa Y dược chỉ cho phép thi sinh chọn học phần Khoa học tự nhiên dự tuyển; với Đại học ngoại ngữ thì thí sinh phải thi thêm một bài thi ngoại ngữ. Bài thi đánh giá năng lực được coi là một điều kiện cần.
- Với việc chấm thi dựa hoàn toàn vào công nghệ thì có xem xét phúc khảo bài thi của thí sinh không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Thứ nhất, theo thông lệ của các kỳ thi đánh giá năng lực quốc tế với khả năng chính xác cao, người ta đều không chấp nhận phương án phúc khảo.
Thứ hai, trước đây do thi con người tương tác trực tiếp thì còn một số lỗi của việc cộng trừ điểm, nhập điểm hoặc chấm có sai số do đánh giá chủ quan. Còn hình thức thi có tính chất trắc nghiệm, máy tính đảm bảo chính xác và kết quả điểm cho biết ngay sau khi kết thúc bài làm. Còn phần mềm đã qua nhiều thử nghiệm chính xác. Dựa trên cơ sở như vậy, giống như thông lệ Quốc tế, chúng tôi không xem xét phúc khảo bài thi.
- Về phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT đánh giá như thế nào về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Trong suốt thời gian qua bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như việc thông qua đề án kỳ thi này.
- Cảm xúc của ông thế nào về những con số ấn tượng sau kỳ thi đánh giá năng lực?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Cảm xúc lớn nhất của tôi bây giờ là muốn gửi lời cảm ơn đến trên 45.000 thí sinh đã rất tin tưởng, nhiệt tình tham gia trong kỳ thi đánh giá năng lực lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam. Điều ấy cho thấy các bạn đã chủ động tìm hiểu phương thức và thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó chúng tôi gửi lời cảm ơn đến nhà trường, gia đình đã tạo điều kiện cho học sinh tham gia kỳ thi.
Đây là một bước đi quan trọng, một bước đi ban đầu cho quá trình đổi mới về định hướng, đánh giá năng lực toàn diện để tìm những người có năng lực tốt nhất và phù hợp nhất để vào học các chương trình đào tạo. Từ đó hướng đến sự đổi mới, công bằng, minh bạch.
Chúng tôi biết là sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện trong thời gian tiếp theo. Còn định hướng về sự đổi mới để hướng đến giáo dục toàn diện như tác động ngược đến học sinh phổ thông về cuộc sống, thực tiễn vẫn là mục tiêu chúng tôi theo đuổi lâu dài. Và đây là bước đi đầu tiên, quan trọng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thời gian đăng ký xét tuyển: Đợt 1: Từ ngày 8/6 đến 16h30 ngày 25/6. Đợt bổ sung: Từ ngày 10/8 đến 16h30 ngày 25/8. Thí sinh đăng ký xét tuyển có thể gửi qua đường bưu điện theo hình thức thư bảo đảm chuyển phát nhanh, hoặc nộp trực tiếp cho hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo có nguyện vọng học. Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên. Hội đồng tuyển sinh công bố thông tin liên quan đến đăng ký xét tuyển của thí sinh, xét tuyển của đơn vị đào tạo; cập nhật 3 ngày một lần thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh trên website của đơn vị đào tạo (danh sách thí sinh và điểm thi xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp). Trong thời gian quy định nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh được phép một lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung. Nguyên tắc xét tuyển Sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực đợt 1 để xét tuyển đợt 1. Ngành học nào còn chỉ tiêu sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực đợt 1 và đợt 2 để xét tuyển bổ sung. Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Công bố trúng tuyển Hội đồng tuyển sinh các đơn vị công bố danh sách thí sinh trúng tuyển (đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT) và thí sinh đạt điểm ngưỡng trúng tuyển đầu vào (đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT) trên website của đơn vị trước ngày 30/6 (đợt 1) và trước ngày 30/8 (đợt 2, nếu có xét tuyển bổ sung). |