Ngày 8/9, trao đổi với PV Lao Động, Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó viện trưởng Viện Hoá học Môi trường Quân sự, Binh chủng Hoá học cho biết, đơn vị đã có kết quả phân tích các mẫu vật lấy từ đám cháy ở nhà xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho biết, theo nguyên tắc của quân đội, sau khi có kết quả và xây dựng phương án đơn vị phải báo cáo với cấp trên. Còn việc công bố kết quả hay không do cấp trên quyết định, Viện Hóa học Môi trường Quân sự từ chối công bố kết quả do không thuộc thẩm quyền.
Trước đó, Tiền Phong đưa tin, ngày 5/9, hơn 20 mẫu đất, bùn, tro xỉ… đã được Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy từ hiện trường đám cháy để tiến hành phân tích để đưa ra kết quả theo chỉ đạo của lãnh đạo Binh chủng Hóa học
Theo Thượng tá Hoài, quy trình phân tích thuỷ ngân tương đối phức tạp. Lấy mẫu về phải ngâm trong axit 16 tiếng, đun hồi lưu khoảng 2 tiếng... sau đó mới đưa mẫu vào chạy máy. Mỗi mẫu phải làm 3 lần để đối chứng và lấy số liệu trung bình, kiểm tra lại bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Dựa trên kết quả phân tích, đơn vị sẽ xây dựng phương án tiêu độc, thu gom xử lý các vật tư, hoá chất ở khu vực bị cháy. Những vật chất nào có hàm lượng chất nguy hại nhiều thì sẽ được Binh chủng Hoá học tiêu độc, còn ở ngưỡng cho phép thì vận chuyển và xử lý như bình thường.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 8/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000 m2 kho chứa sản phẩm (gồm bóng đèn huỳnh quang: 480.000 sản phẩm, chủ yếu là loại đèn dài 1,2 m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20 mg/bóng; bóng đèn compact: 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%; Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram: 2.000.000 sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.
Theo báo cáo ban đầu của Công ty, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
"Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8, cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng; khối lượng hóa chất còn lại là: 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Hg lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg"- Tổng cục Môi trường cho hay.
Kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào Công ty cho thấy mặc dù hàm lượng Hg không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể (thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp), đặc biệt do đặc thù Hg là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở, nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Công ty cần thực hiện các biện pháp như: Phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở… Đối với người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ; đối với người người dân trong bán kính từ 200 m - 500 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc Hg.