"Việc khởi tố và tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị với những sai phạm liên quan tới lĩnh vực kinh tế là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Đảng".
Người lao động và Tri thức trực tuyến cho hay sau thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, đồng thời tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt giam, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng, nhận định đây là minh chứng cho sự khẳng định không có bất cứ vùng cấm hay ngoại lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Người lao động |
Cụ thể, theo PSG.TS Nguyễn Trọng Phúc, mặc dù ông Đinh La Thăng có nhiều nỗ lực và thành tựu nhất định trong quá trình công tác nhưng nếu vi phạm đảng, vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý đúng người đúng tội.
Ảnh: Tri thức trực tuyến |
"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Ông Đinh La Thăng có sai phạm tại thời điểm làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì cũng không chỉ thuyên chuyển hoặc cho hạ cánh an toàn mà phải xử lý để làm gương. Việc xử lý ông Đinh La Thăng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ giữ vị trí quan trọng rằng công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.
Cũng theo ông Phúc công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có những bước chuyển biến thực sự.
"Tuy nhiên chúng ta cần làm quyết liệt hơn nữa để "đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành phong trào, xu thế không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài được" như lời Tổng bí thư đã nói".
Theo chia sẻ của Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong lịch sử, Đảng đã từng thi hành kỷ luật một số ủy viên Bộ Chính trị nhưng là về mặt đảng.
"Việc khởi tố, tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị với những sai phạm liên quan tới lĩnh vực kinh tế là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đảng".
Liên quan đến sự việc, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đánh giá về việc hàng loạt cán bộ cấp cao mắc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý từ sau Đại hội Đảng XII cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đánh giá về việc hàng loạt cán bộ cấp cao mắc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý từ sau Đại hội Đảng XII cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định.
Trước đó, ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV".
Thay mặt Bộ Chính trị, ông Phạm Minh Chính (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng.
Chiều cùng ngày, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã có lệnh khởi tố và bắt giam đối với ông Đinh La Thăng để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thăng liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.
Một là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
Hai là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Hồng Hạnh (tổng hợp)