Cho rằng cái chết của con trai mình là bất thường, ngày 10/11 gia đình cháu bé đã có đơn kiến nghị đến cơ quan công an yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình.
Theo tin tức trên báo Dân Việt: Ngày 10/11, các cơ quan chức năng đã khai quật phần mộ cháu Đậu Ngọc Phú (sinh ngày 25/10/2014) lấy mẫu xét nghiệm gửi đi giám định. Mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
Sau khi vụ việc xảy ra, ngành y tế Thanh Hóa cũng chỉ đạo trạm y tế xã Nga Trường tạm ngưng kế hoạch tiêm chủng để làm rõ vụ việc.
Trước đó, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã khám nghiệm và nhận định, cháu Ph. tử vong là do suy hô hấp, chưa rõ nguyên nhân.
Gia đình cháu Ph. cho biết, trước đó, vào sáng 7/11, sau khi nhận được thông báo từ trạm y tế xã Nga Trường về việc tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh, chị Mai Thị L. (SN 1988) đã đưa cháu Ph. đến trạm y tế xã để thực hiện tiêm chủng vaccine phòng lao (BCG). Tại đây, ông Mai Kim Tuyến – Trạm trưởng Trạm y tế xã Nga Trường đã trực tiếp khám sàng lọc cho cháu Ph. và cho biết, cháu đủ điều kiện sức khỏe để tiêm phòng. Lúc này, chị L. mới làm các thủ tục để tiến hành tiêm chủng cho con.
Gia đình anh Đậu Văn H. rất đau đớn trước cái chết bất thường của con trai mình. (Ảnh: báo Dân Việt)
Chị L. cho biết: “Sau khi tiêm xong, trong ngày hôm đó cháu bú ít hơn bình thường, đến đêm thì thấy cháu nấc và vặn mình nhiều. Cứ nghĩ con chỉ bị phản ứng nhẹ sau khi tiêm phòng nên gia đình cố gắng bế cháu để chăm sóc. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy cháu ngày càng nặng thêm, mặt và toàn thân bị tím tái hết”.
Trước những biểu hiện bất thường của con, chị L. đã gọi điện báo cho Trạm y tế xã Nga Trường. Tại gia đình chị L., sau khi khám và phát hiện cháu Ph. đã bị suy hô hấp nặng, chị Phan Thị Yến - nhân viên của Trạm y tế xã Nga Trường đã tiêm cho cháu Ph. 0,3ml Vitamin B1, rồi cùng gia đình đưa cháu Ph. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn cấp cứu. Tại đây, dù đã được các bác sĩ của bệnh viện nỗ lực cấp cứu nhưng cháu Ph. đã không qua khỏi.
Sau khi cháu Ph. tử vong, gia đình đã đưa về quê và báo cáo đến cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đến để cùng gia đình giải quyết sự việc. Cho rằng cái chết của con trai mình là bất thường, có liên quan đến việc tiêm chủng, ngày 10/11 gia đình anh Đậu Văn H. (bố cháu Ph.) đã có đơn kiến nghị đến cơ quan công an yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình.
Theo báo Tri Thức trực tuyến, là người trực tiếp tiếp nhận và khám sức khỏe nạn nhân, ông Mai Kim Tuyến (Trạm trưởng trạm y tế xã Nga Trường) cho biết, cháu Ph. được tiêm vắc-xin BCG. “Đây là loại vacxin do trung tâm y tế dự phòng huyện Nga Sơn cung cấp. Tại địa phương, việc tiêm chủng chưa từng xảy ra tai biến”, ông Tuyến nói.
Trạm trưởng Tuyến khẳng định làm đúng quy trình tiêm chủng. "Đây là sự cố đáng tiếc, chưa từng xảy ra tại địa phương", ông Tuyến cho biết. Ảnh: Tri Thức trực tuyến.
Theo vị trạm trưởng, thực hiện chỉ đạo của ngành y tế, từ năm 1983 đến nay, Trạm y tế xã Nga Trường được giao nhiệm vụ tiêm vắc-xin phòng lao định kỳ hàng tháng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi. Sáng 7/11, trạm xá Nga Trường tiếp nhận 7 cháu bé đến tiêm vacxin BCG. Ph. là trẻ tiêm đầu tiên.
"Trước khi tiêm, chúng tôi đã khám sức khỏe cháu Ph., mọi thông số đều bình thường. Gia đình cũng đồng ý cho con trai tiêm”, trạm trưởng Nga Trường cho biết.
Giữ cháu Ph. ở lại trạm theo dõi trong khoảng nửa giờ, ông Tuyến sau khi khám lại thấy sức khỏe cháu bé ổn định nên đã đồng ý để gia đình đưa con về. Trước khi cho về, ông có tư vấn gia đình cháu bé về tác dụng phụ của thuốc cũng như việc mưng mủ ở vết tiêm. Ông cũng đề nghị gia đình theo dõi và báo lại cho cán bộ y tế nếu thấy diễn biến bất thường.
Về việc cháu Ph. đột tử sau khi tiêm khoảng 20 tiếng đồng hồ, ông Tuyến nhận định đây là tai biến đáng tiếc, nằm ngoài dự đoán. Ông khẳng định, các thao tác tiêm chủng diễn ra đúng quy trình.
“Mặc dù tôi đã dặn gia đình rằng nếu diễn biến sức khỏe con trai bất thường thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Khi cháu đã rất yếu, bố mẹ mới trình báo thì sự việc đã muộn”, người đứng đầu trạm xá Nga Trường trần tình. Ông cho biết thêm, các trẻ tiêm cùng đợt với Ph. hiện sức khỏe đều ổn định.
Báo cáo của trạm Y tế xã Nga Trường về vụ việc đáng tiếc. (Ảnh: MASK Online)
Tại thời điểm nhận tin cháu Ph. nguy kịch, y sĩ Phan Thị Yến (thuộc trạm xá xã Nga Trường) là người được phân công xuống nhà khám. Ngay trước khi cùng gia đình đưa Ph. lên bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn cấp cứu, y sĩ Yến đã tiêm cho đứa trẻ này một mũi vitamin B1.
“Tôi không chỉ đạo chị Yến tiêm thuốc vitamin B1 cho cháu Ph.. Việc chị ấy tiêm hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm hành nghề”, ông Tuyến cho biết. Theo tìm hiểu, vitamin B1 có tác dụng trợ lực và thường được sử dụng tiêm cho các trường hợp khẩn cấp.
Theo Kim Thành/Nguoiduatin