Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vừa điều trị thành công một ca bệnh rất hiếm gặp, chưa tìm thấy trong y văn.
Bệnh nhân là một bé trai 3,5 tuổi, nhập viện 6 tháng trước trong tình trạng đau bụng, ói.
Mẹ bé cho biết, khoảng 3 tháng tuổi, bé hay bị trào ngược, đi khám, uống thuốc thì có thấy đỡ hơn chút. Đến khi bé 2 tuổi, tình trạng nôn ói của bé nhiều hơn, chạm vào bụng thì bé kêu đau.
Sáng 16/4, BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một ca hẹp tĩnh mạch lách hiếm gặp.
Qua siêu âm phát hiện lá lách của bé hơi to (khoảng 10cm), chẩn đoán tăng áp tĩnh mạch cửa khu trú nhưng vẫn có thể điều trị bảo tồn.
Tuy nhiên, 6 tháng sau bé quay lại trong tình trạng nửa bụng dưới căng cứng, sờ vào thấy đau. BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh đã phát hiện thấy có sự bất thường khi siêu âm cho bé.
Lúc này, lá lách của bé đã phình to đến 14cm, chạm đến gần xương chậu, đồng thời rất nhiều mạch máu theo bờ cong dạ dày đã bị giãn.
Kiểm tra kỹ hơn, các bác sĩ phát hiện tĩnh mạch lách đoạn sau tụy của bé bị hẹp tắc khiến máu không thể lưu thông.
Tĩnh mạch lách bị tắc khiến máu từ lách ra bị dồn ứ ở vùng trực tràng, tĩnh mạch bị giãn từng búi làm lách to ra, giãn tĩnh mạch dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản…
Nếu để thêm một thời gian nữa, bé sẽ rơi vào tình trạng nôn ói ra máu, đi cầu ra máu, nguy hiểm đến tính mạng.
BS Đào Trung Hiếu nhận định, đây là một rất hiếm, có thể nói là ca đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thậm chí các bác sĩ còn chưa tìm thấy trong y văn. Sau khi hội chẩn cẩn thận, các bác sĩ quyết định lấy 10cm mạch máu cổ của bé để “bắc cầu” cho tĩnh mạch lách, vượt qua chỗ bị hẹp tắc.
Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, máu qua tĩnh mạch của bé đã lưu thông tốt, kích thước lách giảm xuống còn khoảng 10cm, đến nay đã gần như trở lại bình thường.
Theo Helino/Trí thức trẻ