Theo nhận định của các nhà tâm lý học, căn bệnh thích “cẩu xực” của Luis Suarez hoàn toàn có thể chữa khỏi nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Tiền đạo Luis Suarez đang trở thành tâm điểm của cơn bão chỉ trích sau khi cắn Giorgio Chiellini trong cuộc đối đầu giữa Uruguay và Italy ở lượt trận cuối vòng bảng World Cup. Đây là lần thứ 3 Suarez giở thói “cẩu xực” với đối thủ. Trước đó chân sút 27 tuổi từng cắn vai Otman Bakkal của PSV và cắn vào tay Ivanovic của Chelsea.
Giới chuyên môn lo ngại, sở thích cắn người đã ngấm vào máu Suarez và rất có thể hành vi của ngôi sao của Liverpool sẽ còn lặp lại trong tương lai. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của sát thủ sinh năm 1987, tới gia đình của ngôi sao này, CLB Liverpool và thậm chí cả đất nước Uruguay.
Trước tình hình đó, một nhóm chuyên gia tâm lý của trường Đại học New South Wales ở Australia đã bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tìm cách giúp Suarez khỏi sở thích quái đản chỉ có ở trẻ con. Theo tiến sĩ Eva Kimonis, giảng viên Khoa tâm lý học của trường Đại học New South Wales khẳng định “căn bệnh” của Suarez có thể chữa được nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Sở thích cắn người của Suarez hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm.
“Từ những gì diễn ra trong đoạn video, tôi nhận thấy Suarez bị căng thẳng sau đó chuyển sang trạng thái tức giận khi không thể thoát khỏi sự kìm cặp của Chiellini. Suarez sau đó không kiểm soát được ý thức nên đã bốc đồng cắn vào vai cầu thủ đối phương”, tiến sĩ Eva Kimonis chia sẻ với phóng viên của Reuters.
“Chắc chắn lúc đó anh ấy đã không nghĩ đến những hậu quả nghiêm trọng mà mình gây ra và đến khi nhận thức được thì đã quá muộn”, tiễn sĩ Eva, chuyên gia nghiên cứu về tính hung hăng, chống đối xã hội và hành vi bạo lực ở con người, cho biết thêm.
“Hành vi thích cắn người chỉ diễn ra ở những đứa trẻ, còn ở người lớn là trường hợp rất hiếm. Biểu hiện trạng thái căng cứng tâm lý được thể hiện qua việc đánh đấm, bắt nạt, la hét, gầm thét và đánh nhau. Tất cả những điều này diễn ra phổ biến ở những người có tính khí nóng nảy và bốc đồng”.
Theo tiến sĩ Eva, Suarez cắn Chiellini không phải ghét bỏ, mà chỉ đơn thuần là muốn chiếm thế thượng phong trong việc giành bóng, cùng khát khao đưa Uruguay vào vòng sau.
“Hành vi hung hăng như cắn hay đánh đối phương sẽ xảy ra khi cảm thấy những gì mà mình sắp đạt được sẽ rơi vào tay kẻ khác. Trong một số trường hợp, hành động đó thường bắt đầu từ sự căng thẳng, sau đó chuyển sang giai đoạn tức giận và bắt đầu đưa ra những hành vi phản kháng hoặc chống đối”.
“Đối với những người có thói quen gây hấn mãn tính thì cần phải dùng đến những phương pháp điều trị nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp người ta ý thức được những gì họ sắp làm trong trạng thái tức giận hoặc bị kích động”.
Suarez cần phải được kiểm tra tâm lý trước khi đưa ra phương án điều trị. Ảnh: Getty Images.
Giáo sư Corinne Reid, nhà tâm lý học lâm sàng thuộc khoa Tâm lý học và Khoa học thể dục của trường Đại học Murdoch, Tây Australia, cũng chia sẻ với phóng viên của Reuters rằng, hành vi của Suarez cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương án điều trị.
“Điều quan trọng là phải xem bản thân Suarez nghĩ gì về hành vi của mình, liệu chúng có đáng được chấp nhận hay không. Suarez cho rằng hành vi của mình hoàn toàn có thể chấp nhận thì việc thay đổi tính khí của anh ấy là không thể”, giáo sư Corinne Reid nhấn mạnh.
Giáo sư Corinne đồng ý quan điểm Suarez gây ra sự việc trên là do căng thẳng, nhưng bà cũng khẳng định đó không phải là yếu tố duy nhất khiến S9 đưa ra giải pháp cắn vào vai Chiellini chỉ với mục đích giành bóng.
“Tất cả những vận động viên ưu tú thường phải đối mặt với trạng thái căng thẳng cao độ. Nhưng không phải ai cũng đưa ra hành vi cắn đối thủ. Thật thú vị để tìm hiểu xem các vận động viên sẽ phản ứng thế nào khi rơi vào trạng thái căng thẳng. Một số người sau đó cảm thấy hối hận và hổ thẹn với những gì mình đã làm.
Việc chữa trị căn bệnh thích cắn người không phải là việc một sớm một chiều. Nó cần phải trải qua một thời gian dài, trong vòng nhiều tháng, nhưng chắc chắn nó đem lại hiệu quả rất tốt”, Giáo sư Corinne cho biết.