Tối 21/3, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã ghi nhận 94 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi. Đa số tình trạng sức khỏe các bệnh nhân ổn định, 10 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính, trong đó tin vui là có 2 bệnh nhân đã 2 lần liên tiếp âm tính.
Tuy nhiên vẫn còn 2 trường hợp nặng là bệnh nhân L.T.H. (64 tuổi, BN19) và du khách người Anh (BN26, 69 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trong đó, nữ bệnh nhân người Việt là bác gái BN17 do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng - Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO.
Bộ Y tế đã liên tục tổ chức hội chẩn chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, hô hấp, tim mạch...
Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ Hội chẩn chuyên môn gồm 30 chuyên gia là các giáo sư đầu ngành để sẵn sàng hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn đối với các trường hợp ca bệnh mắc COVID- 19 diễn tiến nặng.
Theo các chuyên gia hồi sức, với những trường hợp không may bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp thì ECMO chính là "vũ khí" cuối cùng có thể giúp phổi dần hoạt động trở lại.
Đây là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả 2 không thể hoạt động bình thường trong thời gian ngắn.
ECMO sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.
Đối tượng cần sử dụng ECMO là những bệnh nhân mắc bệnh lý nặng, có nguy cơ ngừng hô hấp hoặc ngừng tuần hoàn, đe dọa đến tính mạng.
ECMO được sử dụng khi phổi không có đủ khả năng cung cấp oxy cho cơ thể ngay cả khi đã cho hỗ trợ thở máy oxy ví dụ như trường hợp viêm phổi nặng có biến chứng suy hô hấp, hay bệnh nhân chẩn đoán phù phổi cấp kèm theo biểu hiện suy hô hấp nặng...