Chỉ cách nhau một con suối, thế nhưng giữa hai làng lại có một sự phân định giàu nghèo khá lớn. Từ bao đời nay, làng giàu thì cứ giàu lên trông thấy, trong khi đó, làng bên cạnh ngày một xơ xác, tiêu điều.
Theo các cụ cao niên kể lại, trước đây hai làng vốn là một, cuộc sống của người dân khá sung túc. Truyền thuyết kể lại, câu chuyện giàu, nghèo chỉ được bắt đầu từ một dòng họ “nuôi rồng” có tiếng tại xứ Mường Vang và câu chuyện trả ơn cứu mạng thấm đẫm nước mắt của loài rồng. Không giúp được chủ nhân, con rồng điên loạn quấy phá dân làng, để rồi phải nhận một nhát kiếm chí mạng cắt đôi thân mình. Cũng từ đó, cuộc sống của dân làng bị chia tách làm đôi. Lo sợ, người dân địa phương cho rằng, “long mạch” của vùng đất này đã bị động sau nhát kiếm định mệnh, tài lộc vì thế cũng bị đứt đoạn.
Bí ẩn dòng họ nuôi "rồng”
Xứ Mường, mảnh đất rừng núi với nhiều bản sắc văn hóa, tín ngưỡng riêng biệt, được tạo nên bởi những nền văn hóa Trống Đồng, văn hóa Cồng Chiêng, văn hóa ăn, ở, thờ tự... Người Mường chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng dân số của tỉnh Hòa Bình và được hình thành từ 4 xứ Mường lớn, mà ở đây thường gọi là: Nhất Pi, nhì Wang, tam Thàng, từ Tôông (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động – PV). Với nền văn hóa lâu đời, xứ Mường ẩn chứa bao câu chuyện huyền bí. Lần theo những câu chuyện đó, chúng tôi tìm về nơi từng được cho là xứ sở sản sinh ra rồng, tìm hiểu những dòng họ “nuôi rồng” nổi tiếng bậc nhất xứ Mường.
Không biết thực hư câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai, về sự xuất hiện của rồng thiêng ở xứ Mường có thật hay không, nhưng theo các cụ cao niên, ở Mường Vang vẫn còn nhiều dấu tích, đánh dấu sự tồn tại của một loài vật thiêng tưởng chừng chỉ xuất hiện trong giai thoại. Các vị kể lại, xứ Mường Vang trước đây có một vùng đất rất nổi tiếng, ở đó người dân sống trong sự bình yên, sung túc. Vùng đất ấy là xã Quyết Thắng, thuộc Châu Lạc Sơn (ngày nay là xã Định Cư, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Trong một chuyến công tác về mảnh đất rồng thiêng của xứ Mường Vang, chúng tôi may mắn gặp được các vị già làng, được nghe họ kể về một câu chuyện mang đậm màu sắc truyền thuyết, nhưng cũng cực kỳ khó lý giải.
“Dấu tích” đuôi rồng cổ hóa đá tại xứ Mường Vang.
Bên tách trà nóng, cụ Bùi Văn Phong, 79 tuổi, trú tại xóm Đôm, xã Định Cư, trầm ngâm kể lại: Ngày còn bé, ông từng được nghe ông nội kể lại rằng, người dân xứ Mường Vang đã truyền tai nhau về một câu chuyện đầy màu sắc huyền bí. Đó là câu chuyện về dòng họ Bùi, cùng với bí kíp “nuôi rồng” đặc biệt. Không biết câu chuyện thực hư ra sao, nhưng theo truyền thuyết ở đây, thời xa xưa rồng và loài người sống chung với nhau như là những người bạn. Tuy nhiên, không phải người nào, hay gia đình nào cũng có thể nuôi được rồng. Nó còn phụ thuộc vào “duyên số” và sự lựa chọn của loài rồng. Khi được nuôi dưỡng, rồng thiêng hiển nhiên được coi như một đứa “con” trong gia đình. Và nó cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ người chăm sóc, hay con được gọi là người “cha” của mình.
Theo mạch câu chuyện, cách đây hàng trăm năm, ở xứ Mường Vang có một gia đình rất nghèo khó. Mặc dù hai vợ chồng làm việc rất chăm chỉ, ngày cuốc nương làm rẫy, đêm tranh thủ soi cua, bắt ốc ngoài suối, nhưng vì đông con nên họ làm mãi mà chẳng đủ ăn. Hôm đó, như mọi ngày, người đàn ông họ Bùi lại đốt đuốc ra suối soi cua, cá. Nhưng đêm ấy không hiểu sao, dù đã đi gần hết con suối mẹ ở bản Mường, ông vẫn không kiếm được dù chỉ một con cá nhỏ. Đang buồn chán, chợt đoạn suối trước mặt quẫy mạnh, người đàn ông mừng thầm, nghĩ đó có thể là một con cá lớn, nên vội vàng cầm nơm lao ra bắt.
Nhưng “con cá” mà chàng trai bắt được rất lạ, nó vừa giống cá lại vừa giống rắn, mà khắp người bị xây xát nặng, vết thương tứa máu. Thấy con vật lạ bị thương, đôi vợ chồng nghèo khổ ấy liền băng bó và chăm sóc con vật rất cẩn thận. Mấy hôm sau, cảm động trước sự chăm sóc của chàng, con vật lạ xin ở lại gia đình họ Bùi. Theo thời gian, con vật lớn dần lên lộ rõ hình thù của một con rồng, chứ không phải loài cá hay loài rắn lạ như lúc ban đầu.
Trận chiến kinh hoàng và dấu tích đuôi rồng cổ
Năm tháng đi qua, rồng con lớn nhanh như thổi. Không chỉ có hình thù kỳ dị, mà rồng còn ăn rất nhiều. Vì thế, mỗi lần đi đâu ra ngoài, chàng trai không dám cho rồng đi theo để tránh người làng hoảng sợ. Thế nhưng, mỗi bước chân của ông đi đâu, chỉ 5 phút sau là rồng con lại xuất hiện ở đó. Lúc đầu, người dân trông thấy con rồng kỳ dị cũng hoảng sợ lắm. Nhưng lâu dần thành quen, với lại thấy nó hiền lành và gần gũi nên ai cũng yêu quý.
Rít một hơi thuốc lào, cụ Phong kể tiếp: “Ông tôi kể lại rằng, năm đó làng bị mất mùa, nên đói khát lắm. Đặc biệt, gia đình họ Bùi, trước đây đã nghèo, không có của ăn, của để nên phải chạy ăn từng bữa. Đã vậy, con rồng ngày một lớn hơn nên sức ăn cũng nhiều hơn. Vì thế, vợ chồng anh này đã cùng với các con phải sang các làng khác để cày thuê, cuốc mướn. Thương “cha”, rồng con cũng xin đi cùng. Nhưng bởi đi xa, nên anh chàng này nhất định không cho rồng theo. Muốn giúp “cha” nhưng không được, rồng đành hậm hực ở nhà. Thế nhưng, rồng con cùng với những người thân trong gia đình họ Bùi không ngờ rằng, đây là lần gặp nhau cuối họ nhìn thấy nhau. Bi kịch cũng bắt đầu xảy ra từ đó”.
Ông Phong kể tiếp, người cha họ Bùi cùng các con của mình đi làm mãi không thấy trở về. Trong khi đó, trong nhà lương thực ngày một cạn kiệt. Thương người mẹ già đau yếu, không thể mãi ngồi chờ trong sự đói khát. Rồng “con” liền nghĩ ra một cách để trả ơn “cha mẹ” và dân làng. Đêm nào cũng vậy, chờ mọi người ngủ say, “rồng con” lại lẻn sang làng Đôm – Bán và ăn hết ngô lúa bên của làng. Sau đó, rồng con lại thải những gì mình ăn được lên đồng ruộng của làng Bài, làng Chóng. Vì thế, năm ấy làng Bài mùa màng bội thu, đời sống của người dân từ đó khấm khá hẳn lên.
Cụ Bùi Văn Phong và vợ chia sẻ những câu chuyện liêu trai và việc người dân cho là khu đất bị “động long mạch”. Ảnh TG
Lại nói đến chuyện “rồng con”, sau một thời gian sang “quậy” phá mùa mang ở làng Đôm, người làng ở đó đều rất lấy làm lạ. Họ không hiểu tại sao, ngô lúa cứ tự nhiên biến mất. Ấm ức không rõ nguyên nhân, tộc trưởng của làng đã tụ họp bà con và lên kế hoạch bắt bằng được những tên trộm bí ẩn. Sau nhiều ngày phục kích, tộc trưởng và dân làng đã phát hiện ra kẻ phá bĩnh chính là “rồng con”. Họ lùng sục, vây bắt bằng được con rồng lạ. Bị truy đuổi, “rồng con” liều mình chạy về phía cánh rừng trước mặt. Chạy mãi, chạy mãi mà không thoát, bị dồn vào thế chân tường, rồng con quay lại chiến đấu với người tộc trưởng và dân làng Đôm. Sau 10 ngày vật lộn, rồng con và tộc trưởng đều cạn kiệt sức lực. Người tộc trưởng lúc ấy, trước khi gục ngã đã dồn hết sức lực của mình vào nhát kiếm cuối cùng. Nhát kiếm định mệnh ấy đã chém rồng con đứt làm đôi.
“Ông tôi bảo, ngày “rồng con” bị giết chết, cũng là ngày người cha đi làm thuê trở về nhà. Khi nghe tin “rồng con” bị tộc trưởng của làng Đôm giết chết và chặt làm đôi. Người cha đau khổ vô cùng. Ông vội vàng tìm đến nơi rồng con bị giết, khi đến nơi, thấy rồng bị chém đứt đôi. Người đàn ông họ Bùi không cầm nổi nước mắt, ông khóc rất nhiều, nước mắt ông rơi xuống xác rồng lúc nào không hay. Cũng theo ông tôi kể, chính nước mắt của người cha sau khi rơi xuống xác của rồng con, vì linh thiêng và muốn được ở gần người cha trọn đời, nên xác rồng con đã biến thành đá. Phần đầu của con rồng đá nằm về phía làng Đôm, còn phần đuôi của rồng đá hướng về phía làng Bai, cho đến tận ngày hôm nay dấu tích của rồng thiêng vẫn còn được lưu giữ ở mảnh đất Mường Vang. Còn người cha, sau đó vì quá đau khổ nên cũng đã chuyển đi nơi khác và không trở về làng nữa”, cụ Phong trầm ngâm nhớ lại.
Xem thêm Clip: Bí mật cuộc sống của người chuyển giới Mông Cổ
//