Bị chó dại cắn nhưng anh T. không tiêm vắc xin phòng bệnh dại mà tìm đến một thầy lang cạo gió. Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ việc, anh T. bị phát bệnh và tử vong.
Theo tin tức trên báo An Ninh Thủ Đô, ngày 2/3/2015, anh P.V.T (26 tuổi, xã Tiên Canh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) có đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam yêu cầu được tiêm phòng do bị chó cắn. Tuy nhiên, khi chuẩn bị được tiêm thì anh T. lại đổi ý.
Sau đó anh T. có đền nhờ một thầy lang ở huyện Điện Bàn cạo gió để biết con chó cắn mình có phải chó dại hay không. Kết quả "chấn đoán" của vị thầy lang này là con chó cắn anh T. không bị dại.
Bị chó dại cắn, nam thanh niên tử vong vì nghe lời thầy lang (Ảnh ANTD) |
Tin lời thầy lang, anh T. không đi tiêm phòng nữa. Tuy nhiên, hơn hai tháng bị chó cắn, anh T. có những biểu hiện của bệnh dại với những triệu chứng như mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và lo lắng. Ngày 4/5, anh T. được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh Quảng Nam điều trị nhưng bệnh nhân sau đó đã tử vong.
Cũng theo một số người dân địa phương, trước khi cắn anh T., con chó trên đã cắn một cháu bé 6 tuổi ở cùng xóm. Tuy nhiên, cháu bé này được gia đình đưa đi tiêm vắc-xin nên đến nay vẫn Bình An vô sự.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương lây từ động vật sang người. Bệnh lây truyền qua nước bọt của động vật bị bệnh bài tiết ra ngoài theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách hoặc qua màng niêm mạc vào cơ thể.
Thời kỳ ủ bệnh trung bình 5 - 10 ngày, nhưng có khi lên đến 2 - 3 tháng, thậm chí một năm sau khi bị chó cắn mới xuất hiện cơn dại.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu vết cắn khiến da bị xước ở vị trí gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, đầu các chi), tình trạng súc vật bình thường, người bị cắn cần được tiêm vắc xin dại. Nếu cùng tình trạng vết thương như trên nhưng vật cắn có triệu chứng dại, kể cả súc vật đã được tiêm phòng thì người bị cắn cần tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại.
Trường hợp vết cắn khiến da bị xây xước nhẹ ở vị trí xa thần kinh trung ương và vật cắn có tình trạng bình thường thì sẽ theo dõi con vật. Cùng tình trạng vết thương này nhưng con vật có triệu chứng dại hoặc bệnh thì cần tiêm vắc xin ngay.
Bệnh nhân có chỉ định tiêm vắc xin dại ngay trong trường hợp không theo dõi được vật cắn, dù vết cắn và vết xước nhẹ ở vị trí xa thần kinh trung ương. Nếu con vật đã có triệu chứng dại, người bị cắn cần tiêm cả huyết thanh kháng dại và cả vắc xin dại mặc dù vết cắn chỉ là xước nhẹ và ở vị trí xa thần kinh trung ương.
H.Nguyen (tổng hợp)