Thời gian qua, cuộc ly hôn ồn ào giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên và vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang tốn nhiều giấy mực của báo giới và dư luận.
Trong phiên tòa ly hôn vừa qua, cuộc tranh cãi về vấn đề phân chia tài sản vẫn chưa đến hồi kết. Chỉ có một điều duy nhất khiến cả hai người đồng lòng đó chính là họ sẽ ly hôn và không trở lại với nhau. Tại phiên xét xử ngày 21/2, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhấn mạnh ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ là "là một quyết định sáng suốt". Còn đối với ông Vũ thì nói cuộc hôn nhân của họ cần phải kết thúc.
Có thể nói, cuộc hôn nhân tưởng chừng như rất đẹp khi cả hai cùng nhau vượt qua mọi khó khăn và có chung 4 người con và cùng gây dựng lên một tập đoàn Trung Nguyên lớn mạnh như hiện nay.
Chia sẻ trên báo chí hồi tháng 8 năm ngoái, ông Vũ cho biết, lần đầu tiên ông tái xuất sau 5 năm lên núi thiền định, nguồn cơn của việc mâu thuẫn gia đình là việc ông muốn bà Thảo lui về hậu phương, chăm sóc con cái, vun vén gia đình sau những xung đột về cách ứng xử, về quan điểm phát triển của Trung Nguyên.
Trong nhận thức của ông Vũ, Trung Nguyên đã đi được 20 năm và không còn tươi mới nữa nên cần phải chi 10-15% thậm chí 20% trong khoản Doanh thu 5.000-6.000 tỉ đồng mỗi năm để đầu tư, nghĩa là có thể không có lãi nữa. Chính tư duy này đã khác hoàn toàn với tư duy kinh doanh của bà Thảo.
"Đến ngày hôm nay, có mấy người biết? Người vợ của Qua, cũng giống như mấy người đó, cũng có chút nhưng chỉ là học lóm, cóp nhặt mỗi nơi một chút thì đi đâu? Như một con buôn không bao giờ đi được xa. Trung Nguyên không thể được nuôi dưỡng như vậy được", Thanh Niên dẫn lời Chủ tịch Trung Nguyên cho biết.
Ông Vũ tự đặt sứ mệnh của mình là nhà dẫn dắt tư tưởng, lối sống, tình thần cộng đồng không chỉ tầm quốc gia mà còn tầm nhân loại. Chính vì vậy, ông có khuyên bà Thảo lui về chăm lo gia đình, ông sẽ tập trung phát triển Trung Nguyên nhưng bà Thảo không đồng ý.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 3 năm ngoái, chia trẻ trên một bài phỏng vấn của báo Trí thức trẻ, bà Thảo đã có những trải lòng về cuộc hôn nhân với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
"Tôi là người bàn với anh Vũ chọn ngành cà phê để khởi nghiệp. Còn cái tên Trung Nguyên là do anh ấy lựa chọn.Hồi đó, công việc của tôi suốt ngày tiếp xúc với thông tin ngành cà phê trong và ngoài nước, tôi nhận ra rằng cà phê sẽ là ngành mang lại lợi nhuận cho Việt Nam, vì khi đó cà phê là thị trường giao dịch sôi động nhất, chỉ sau dầu mỏ.
Hồi yêu nhau, tôi hay tặng anh Vũ những cuốn sách, những bài báo về kinh doanh và doanh nhân, ý tưởng… cho kinh doanh và đất nước. Đọc được bài báo nào hay, tôi đều cắt trang báo đó ra để tặng anh Vũ. Trong bóp tiền của anh bao giờ cũng có một thứ tôi tặng: Đó là các bài báo.
Dĩ nhiên, sau này anh Vũ đã học rất nhanh, và phát triển nó thành công hơn. Anh trưởng thành nhanh, là người có thể dùng sức mạnh của bản thân, dùng thương hiệu của bản thân để không chỉ tăng thêm sự ảnh hưởng của Trung Nguyên mà còn tạo ra cảm hứng cho những người khác", bà Thảo cho biết.
Bà Thảo cũng cho biết, quyết định kết hôn với Đặng Lê Nguyên Vũ thực sự là quyết định mạo hiểm và bất trắc nhất trong đời bà. Nhưng bà rất tự tin và bà tin vào tình yêu " một túp lều tranh, hai trái tim vàng" của mình. Và rồi Trung Nguyên đã được gây dựng từ những ngày gian khó như thế, lớn mạnh từng ngày nhờ công sức của vợ chồng tôi, để trở thành một thương hiệu lớn như mọi người đã thấy.
Mặc dù giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực ở Trung Nguyên nhưng bà Thảo đã lựa chọn lùi lại làm nội tướng để dành tất cả sự tỏa sáng cho chồng của mình.
"Tôi luôn nghĩ chồng tôi là người đi trước dẫn đường, tôi là người đi sau. Chồng tôi là người đưa ý tưởng, tôi là người thực hiện. Chồng tôi là người truyền cảm hứng, tôi sẽ là người làm từng việc nhỏ để Trung Nguyên bay cao.
Chúng tôi là hai nửa của một mảnh ghép bị thất lạc đã tìm được nhau. Tôi luôn dõi theo sự trưởng thành của anh Vũ, vừa ngưỡng mộ, vừa thầm tự hào. Nếu người khác tiến bộ với vận tốc của một cái ô tô, thì anh Vũ tiến bộ với vận tốc của một chiếc máy bay", bà Thảo chia sẻ với Trí thức trẻ.
Cũng chia sẻ thêm, bà Thảo cho rằng, không phải cuộc sống lúc nào cũng vuông tròn nhưng bà luôn cố gắng quên đi những lỗi lầm của chồng, để chỉ giữ trong lòng mình những gì tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, sau 49 ngày thiền định nhịn ăn của ông Vũ đã khiến cuộc hôn nhân từng đẹp như mơ phải đổ bể.
Trong phiên tòa ly hôn, luật sư cả hai tranh cãi về đóng góp của thân chủ đối với sự phát triển của Trung Nguyên - một trong những căn cứ xác định tỷ lệ phân chia tài sản.
Phía bà Thảo nói về những ngày bà cùng chồng phát triển công ty, phải làm việc từ sáng đến đêm ngay cả khi mới sinh con. Còn ông Vũ cho rằng hai năm sau khi thành lập Trung Nguyên ông Vũ mới kết hôn với và Thảo (1998). Đến tháng 4/2006, bà Thảo mới tham gia là cổ đông.
Ông không phủ nhận công lao của vợ, song ông nhiều lần lớn tiếng khẳng định mình mới là "linh hồn" của Trung Nguyên khi nghe luật sư của bà Thảo nói "công sức của vợ còn cao hơn cả chồng". Bà Thảo nhiều lần đứng dậy phản đối, cho rằng những điều ông Vũ nói là xúc phạm, sỉ nhục mình.
Vì không thu xếp được những khác biệt trong cuộc sống lẫn kinh doanh ông Vũ và bà Thảo chấp nhận ra tòa ly dị.