Có lẽ với bí quyết sống giản đơn trong tình yêu thương với mọi người, mà tình cảm đó như sợi dây chắc chắn neo giữ cụ ở lại với gia đình, với cuộc đời cho đến ngày hôm nay.
Tháng 6/2015, Hiệp hội kỷ lục Thế giới sẽ đến Việt Nam để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục người phụ nữ cao tuổi nhất Thế giới cho cụ bà Nguyễn Thị Trù (122 tuổi).
Tin tức từ Hộ kỷ lục gia cho biết, ngày 20/4, Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association - WRA) đã chính thức công bố, cụ bà Nguyễn Thị Trù (SN 1893, trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM) là cụ bà cao tuổi nhất Thế giới.
Trước đó, cụ bà Nguyễn Thị Trù đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục "Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam và châu Á”.
Dù đã 122 tuổi mà răng cụ vẫn còn nhiều cái chưa rụng, chỉ bị mòn, còn lại chân răng. |
Sau khi được công nhận là cụ bà cao tuổi nhất Thế giới, Hiệp hội Kỷ lục Việt Nam đã tổ chức đến thăm cụ Nguyễn Thị Trù tại căn nhà cụ đang ở. Mặc dù ở tuổi "122 mùa xuân” nhưng đôi mắt cụ vẫn còn linh hoạt, đặc biệt cụ rất hay cười.
Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ còn sống 2 người, họ đều đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi) là con dâu út, hiện tại đang sống cùng cụ, sớm hôm phụng dưỡng mẹ chồng với tất cả lòng hiếu thảo và sự tôn kính. Những người con của bà Ba (cháu nội của cụ Trù) vẫn thường xuyên về thăm bà với những món quà: bánh, trái cây, sữa...
Bà Nguyễn Thị Đê (82 tuổi), con gái thứ 8 của cụ Trù cho biết, cụ rất thích ăn bánh và uống sữa. Buổi sáng cụ thường ăn một tô cháo thịt, đến trưa ăn chừng một bát cơm lưng với thức ăn là thịt, cá, rau, củ, quả được nấu mềm và xé nhỏ. Đến chiều cũng thế, xen lẫn trong ba bữa ăn chính luôn có cốc sữa hoặc bánh trái. Cứ như vậy, mấy chục năm nay cụ sống vui cùng con cháu.
Bà Đê cho biết thêm, hiện nay mẹ bà (cụ Trù) không còn nhớ chút gì về thời xưa cũ nữa. Xưa kia, ba mẹ bà cũng chỉ là những người nông dân thuần túy.
Một điều đặc biệt là từ trước tới nay, cụ chưa một lần nào nhập viện vì bệnh nặng. |
Thời ấy, cụ Trù cùng chồng chăm lo mảnh ruộng gần nhà. Sau vụ lúa, cụ lại đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau về ăn, về bán. Chính cuộc sống gần gũi thiên nhiên khiến tinh thần của cụ thoải mái và không có nhiều tính toán, lo âu. Bữa ăn của gia đình cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra như: gạo ở ruộng nhà, rau quả ở trong vườn, cá ở dưới sông... Nhờ vậy mà cụ ít khi bệnh tật, sức khỏe lại được rèn luyện, bồi đắp bởi thói quen lao động hằng ngày.
Con theo bà Ba (con dâu út), điều quan trọng khiến mẹ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa, vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân, lòng cụ nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản.
Bà con láng giềng xung quanh nơi cụ Trù ở cũng nhận xét: cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ với bí quyết sống giản đơn trong tình yêu thương với mọi người, mà tình cảm đó như sợi dây chắc chắn neo giữ cụ ở lại với gia đình, với cuộc đời cho đến ngày hôm nay.
Sống lâu như cụ Nguyễn Thị Trù được xem là một thiên tước, đặc ân mà tạo hóa chỉ ban tặng cho một số ít người. Cụ đã sống qua 3 thế kỷ (19, 20, 21) với tinh thần lạc quan, trí tuệ minh mẫn, kinh nghiệm sống cùng những phẩm chất tốt đẹp của người trường thọ đã phấn đấu, rèn luyện và tích lũy cả một đời.
Dự kiến đại diện của Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 6/2015 để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục thế giới đến cụ Bà Nguyễn Thị Trù theo sự sắp xếp của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Tâm An