Ngôi làng nhỏ hơn 500 năm tuổi này có một thứ “mật ngữ” cực lạ mà chỉ có người trong làng mới biết.
Tiếng dành cho người thông minh
Nghe danh tiếng “mật ngữ” làng Phú Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã lâu, sự tò mò đã dẫn bước tôi tìm về ngôi làng này để tường tỏ thứ ngôn ngữ có một không hai này.Không khó để tìm ra làng Phú Hải, nhưng tôi cực kỳ khó khăn khi tiếp xúc với con người nơi đây khi mở lời muốn tìm hiểu về “đặc sản” là thứ ngôn ngữ kỳ bí của làng. “Muốn biết tiếng nói của làng thì phải được Hội chủ làng đồng ý đã chúng tôi mới dám nói” – đó là câu trả lời đồng nhất của tất cả người dân Phú Hải.
Lòng vòng mãi tôi mới tìm được cửa hàng bán hàng mã của ông Trần Đức Tảo – Hội chủ làng Phú Hải. “Chú muốn tìm hiểu thì phải chờ khi nào làng họp các bô lão đã chứ tui không nói được mô, vì đây là ngôn ngữ bí truyền của làng, người ngoài không được biết, nếu không thì sẽ mất nghề” – ông Tảo đón tôi bằng câu nói khiến tôi chết điếng.
“Đã mất công đến tận nơi đây, lẽ nào giấy trắng đi về” – tôi nghĩ vậy rồi năn nỉ ỉ ôi, nói chuyện lân la khơi chuyện. Ông Tảo cho hay, cư dân làng Phú Hải vốn từ đất Thanh Hóa vào lập nghiệp đã hơn 500 năm. Trước làng ở gần phía biển, do nạn cát bay cát lấp nên lùi về phía trong, vốn là vùng đất ruộng. Vậy nhưng diện tích làng Phú Hải rất nhỏ hẹp, đất đai cằn cỗi nên dân không sống bằng nghề làm nông mà chủ yếu dựa vào nghề làm hàng mã, thầy cúng và đánh bát âm cổ nhạc (chuyên phục vụ trống kèn tại các đám ma, đám giỗ) để kiếm sống.
“Làm nghề thầy cúng mà lộ “thiên cơ” thì chẳng mấy hồi mà người ta học lỏm được, chính vì vậy các cụ tổ trong làng mới “sáng chế” ra tiếng lóng lưu truyền cho con cháu để giữ nghề, giữ miếng cơm manh áo. Tiếng lóng làng Phú Hải ra đời cả trăm năm nhưng chỉ lưu truyền bằng miệng thôi chứ không ghi chép ra giấy. Vì nếu ghi ra giấy, người ngoài có được thì nghề của làng coi như mất” – ông Tảo giải thích.
Cũng theo ông Tảo, vì chỉ lưu truyền bằng miệng, tiếng lóng của làng lại cực kì khó nên việc học lại càng khó hơn. Chính vì vậy, học được tiếng lóng của làng cho đến ngọn ngành phải là những người thông minh và kiên trì. Còn như thế hệ trẻ bây giờ chỉ nghe người lớn nói rồi bắt chước nói theo chứ không hiểu hết được vì sao lại cho ra ngữ nghĩa như vậy.
“Chấm chin” nghĩa con cá
Theo ông Tảo cho biết, “mật ngữ” làng Phú Hải là dựa trên nét chữ, ý nghĩa và cách phát âm của chữ Hán, chữ Nôm từ đó nói mẹo, nói mánh, sáng tạo ra cách nói của riêng mình. Ông Tảo chỉ cho tôi biết một vài từ đơn giản ví dụ như chữ Ngư nghĩa là Cá. Chữ Ngư viết bằng chữ Nôm ở dưới có dấu chấm. Phía dưới được hiểu là chân (từ địa phương Quảng Trị gọi chân là chin). Vì thế, người dân Phú Hải “chế” lại và nói là “Chấm Chin” và ngầm hiểu với nhau là “con cá”. Hay một chữ khác là chữ “tỏi” nghĩa là đi. Ông Tảo lý giải rằng, trong chữ Hán, “hành” có nghĩa là “đi”. Trong các loại gia vị người Việt thường dùng có củ hành và củ tỏi còn hay gọi chung là “hành tỏi”.
Người làng Phú Hải có “mật ngữ” kì lạ và còn có tài “bảo mật ngôn ngữ” của làng mình.
Chính vì thế, người dân Phú Hải mới chế chữ “tỏi” nghĩa là “đi”. Mỗi khi đang ngồi đông đúc với khách, người trong làng muốn đi trước thì nói từ “tỏi” là người làng hiểu có ý muốn về trước. Các từ khác ông Tảo cho biết mà không giải thích như “Trương chỉ” nghĩa là giấy. Nếu nói cả câu là “Khiểm thất trương chỉ” nghĩa là “thiếu một tờ sớ”. Vì sao lại vậy?. Ông Tảo giải thích, khi mình đi cúng cho nhà người ta mà thiếu một món lễ vật gì đó, ví dụ thiếu một tờ sớ mà mình nói ra bằng tiếng Việt thì chủ nhà sẽ cho rằng thầy cúng làm việc không tốt nên phải dùng “mật ngữ” của làng để bảo người đi cùng về nhà lấy. Ví dụ nói “Khiểm thất trương chỉ”: Từ Khiếm trong chữ Hán nghĩa là khiếm khuyết, là thiếu xót nhưng nói Khiếm thì có khi người ngoài sẽ hiểu ra chút ít nên người Phú Hải đổi thành chữ “Khiểm” nghĩa là thiếu. Từ Thất trong chữ Hán nghĩa là bảy nhưng để người ngoài không biết, người Phú Hải chuyển “thất” thành nghĩa là “một”. Trương chỉ là tờ giấy, nhưng trong nghề thầy cúng thì gọi là “sớ” (viết bằng chữ Hán, Nôm và tiếng Việt) được viết trên giấy. Chính vì thế, ghép cả câu lại “Khiểm thất trương chỉ” nghĩa là “thiếu một tờ sớ”.
Lân la hỏi chuyện, tôi còn được ông Tảo cho biết thêm một vài “mật ngữ” bí truyền Phú Hải như áo nói là “Ơi”, quần nói là “Chến”, anh- em thì được gọi là “sư- bo”, vợ là “nghéo”, con gọi là “sơ”, Con trai là “càn”, con gái là “ đoài”, ăn là “khẩu”, uống là “cựa”, quán là “xá”, ngủ là “khư”. Các chữ số tự nhiên cũng được người dân trong làng gọi riêng như 1 là “thất”, 2 “lạng”, 3 “duông”, 4 “sùng”, 5 “ngâu”, 6 “lôi”. Ông Tảo cho hay, người làng Phú Hải có mặt rất nhiều trên khắp dải đất miền Trung. Nhiều nhất là ở Cồn Hến (Thừa Thiên – Huế). Còn trong làng Phú Hải chỉ có chừng 60 hộ dân với khoảng 270 nhân khẩu. Dù đi đâu thì người Phú Hải cũng chủ yếu hành nghề thầy cúng, làm hàng mã, thổi kèn đám ma… và luôn giữ “mật ngữ” của làng.
Đang trò chuyện với ông Tảo, một cụ ông làng Phú Hải ghé chơi rồi nói “ Bo sư tỏi cựa cây” làm tôi điếng người vì không hiểu gì. Hai cụ ông nói chuyện hồi lâu bằng thứ “mật ngữ” làm tôi như người trên trời rơi xuống, chẳng hiểu một chút gì. Sau câu chuyện, thấy tôi trố mắt ngu ngơ, ông Tảo cười giải thích: “Khi nãy đến giờ tui cho chú biết nhiều từ rồi, thấy chú cũng tội nghiệp thôi tui cho biết thêm từ nữa. Khi nãy ông đó nói “Bo sư tỏi cựa cây” nghĩa là lát nữa mời chú ra quán uống nước”. Ra đời cả trăm năm nay nhưng “mật ngữ” Phú Hải chưa hề bị lộ ra ngoài, cũng chưa hề bị thất truyền. Thế mới biết được người dân Phú Hải coi trọng nó đến nhường nào.
Theo Dân Việt