Liên quan đến vụ "chồng tử vong sau khi bị vợ bóp của quý" xảy ra ở Tiền Giang, luật sư cho rằng, hành vi của bà Chưởng có nhiều dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người hơn là tội “Giết người".
Vụ việc ông Lê Kim Khải (53 tuổi) tử vong sau khi bị vợ bóp chặt "của quý" trong lúc cự cãi, bà Chưởng - vợ ông Khải vừa bị cơ quan công an bắt tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi Giết người.
Theo nội dung vụ việc được đăng tải trên báo chí, tối 10/7, ông Khải đến nhà bà Chưởng gọi cửa nhưng vợ và con gái không mở. Người đàn ông 53 tuổi đã dùng cưa sắt phá khóa để vào khiến 2 bên cự cãi, đánh nhau. Con gái vào can cũng bị ông Khải đánh.
Trong lúc xô xát, bà Chưởng bóp mạnh “của quý” ông Khải khiến chồng té xuống đất.
Căn nhà nơi xảy ra vụ việc |
Chưa dừng lại, người phụ nữ 55 tuổi ngồi lên bụng chồng, bóp chặt “của quý” của nạn nhân khoảng 5 phút nữa, trước khi được hàng xóm can ngăn. Khi được giải cứu, ông Khải đã nằm bất động, người tím tái và chết trên đường đi cấp cứu.
Tại cơ quan công an, bà Chưởng khai do bị ông Khải đánh nên bóp “của quý” của chồng để cảnh cáo, không ngờ dẫn đến án mạng.
Liên quan đến vụ việc, dư luận quan tâm đến việc liệu bà Chưởng có được xem xét về tình tiết “phòng vệ chính đáng” hay không?
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, luật sư Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, trường hợp của bà Phan Thị Kim Chưởng không phải là phòng vệ chính đáng.
"Mặc dù có thông tin về việc bà Chưởng bị ông Khải đánh trước, nhưng kể cả nếu điều đó là sự thật thì sau đó ông Khải đã ngã xuống đất. Lúc này nếu sợ bị ông Khải đánh tiếp, bà Chưởng hoàn toàn có thể bỏ chạy để thoát khỏi việc bị ông Khải đánh. Tuy nhiên bà Chưởng lại ngồi lên người ông Khải và tấn công ông Khải, khiến ông Khải tử vong. Như vậy bà Chưởng đã chủ động tấn công ông Khải nên không thể coi là phòng vệ là hành động bị động”, ông Thanh nhận định.
Cũng theo luật sư Thanh, với những thông tin do báo chí cung cấp, hành vi của bà Phan Thị Kim Chưởng có nhiều dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người hơn là tội “Giết người”.
Ông phân tích: "Thứ nhất, bà Chưởng không thể biết được rằng việc mình bóp “của quý” của ông Khải có thể khiến ông Khải chết.
Thứ hai, nếu muốn tước đoạt sinh mạng của ông Khải, bà Chưởng có nhiều biện pháp để thực hiện điều này dễ dàng và hiệu quả hơn chứ không phải bóp “của quý”, ví dụ như sử dụng các loại hung khí nguy hiểm đánh, đập hoặc thậm chí là bóp cổ khi đang ngồi trên người ông Khải.
Thứ ba, việc bà Chưởng bóp “của quý” của ông Khải không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ông Khải.
Thứ tư, trên thực tế rất hiếm xảy ra trường hợp tương tự, nghĩa là người đàn ông nào đó chết vì bị bóp mạnh trong thời gian dài vào bộ phận sinh dục".
Tuy nhiên, luật sư Thanh cũng nhấn mạnh: “Đó chỉ là quan điểm cá nhân dựa trên những thông tin chưa đầy đủ trên báo chí. Còn từ phía các cơ quan pháp luật, ở đây là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, có thể các cơ quan này có đủ căn cứ nên đã khởi tố và bắt tạm giam bà Chưởng về tội “Giết người””.
Luật sư Thanh cho biết thêm, nếu bị kết tội “Giết người”, mức hình phạt dành cho bà Chưởng sẽ từ 7 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự. Còn nếu bị kết tội “Cố ý gây thương tích”, bà Chưởng có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Xem thêm video:
[mecloud]gdpywc8md3[/mecloud]
Tiểu Phương (ghi)