Việc nở rộ những khóa học kỹ năng tỷ lệ thuận với nhu cầu của xã hội, xét về mặt kinh thế đây là một lĩnh vực làm ăn rất phát đạt nhưng xét về mặt giáo dục nó phải chăng là biểu hiện của triệu chứng khủng hoảng và thiếu hụt trầm trọng của một nền giáo dục hiện đại thiếu nền tảng từ gia đình?
Cứ đến dịp hè, khi học sinh thành phố chưa kịp cất sách vở vào hộc tủ thì hàng trăm lời mời, giới thiệu, quảng bá các chương trình kỹ năng sống cho trẻ em lại tới tấp bủa vây phụ huynh và các em…
Rất đa dạng về loại hình, các lớp học kỹ năng đánh vào tâm lý “mong manh” của những bậc phụ huynh suốt ngày bận rộn nhưng luôn mong muốn con cái mình phải đủ “chiêu thức” đối phó với tất cả các tình huống hết sức phức tạp của cuộc sống. Nào là lớp học làm MC để mạnh dạn, học kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng tự phục vụ, đến cả kỹ năng yêu thương, kỹ năng quan tâm đến người khác…Mỗi khóa học kỹ năng này thường diễn ra từ 5 -10 ngày và có gía không hề rẻ từ 2 – 5 triệu đồng/ khóa.
Biết vô bổ, vì sao phụ huynh vẫn "đổ tiền" cho con đi học Kỹ năng sống?. Ảnh minh họa |
Chưa nói đến hiệu quả, nhưng nhiều phụ huynh đã nhận được phản hồi từ trẻ khi con cho biết “chỉ suốt ngày xem clip và xử lý các tình huống trên tivi”, cũng có những bậc cha mẹ ở thành phố trợn tròn mắt khi thấy các “cậu ấm, cô chiêu” về nhà đọc vanh vách nào là kỹ thuật cấy lúa, ủ phân, bón ruộng,…
Tuy vậy, điều ngạc nhiên không phải là giá tiền hay cách dạy mà dường như hầu hết các bậc phụ huynh tìm đến trao gửi con cho những khóa học kỹ năng đều hiểu: nội dung giảng dạy là những bài học khá quen thuộc diễn ra sống động hàng ngày, hàng giờ tại chính gia đình, khu phố mình sinh sống. Đó là những thứ mà chính bản thân họ được gia đình, nhà trường, bạn bè bồi đắp cho từ bé chứ chưa phải đến bất kỳ một trung tâm kỹ năng sống nào.
Vậy tại sao họ vẫn phải bỏ tiền để cho con đi học kỹ năng?
Ngày trước, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống luôn được coi trọng ngang hàng với giáo dục tri thức, “tiên học lễ, hậu học văn” cũng từ đó mà ra. Nhưng ngày nay, xã hội càng phát triển, nhiều thứ bị phân liệt, đẩy lùi vào hậu trường. Cấu trúc gia đình cũng vì thế mà thay đổi, các bậc cha mẹ thì quá bận rộn với việc kiếm tiền, họ dùng tiền để “mua” kỹ năng cho con mình. Nhiều người thậm chí nhận ra hiệu quả của các lớp học kỹ năng là không nhiều nhưng họ vẫn chấp nhận cho con tham gia như một…sân chơi giữ trẻ dịp hè để họ yên tâm kiếm tiền.
Việc nở rộ những khóa học kỹ năng tỷ lệ thuận với nhu cầu của xã hội, xét về mặt kinh thế đây là một lĩnh vực làm ăn rất phát đạt nhưng xét về mặt giáo dục nó phải chăng là biểu hiện của triệu chứng khủng hoảng và thiếu hụt trầm trọng của một nền giáo dục hiện đại thiếu nền tảng từ gia đình?
Niềm tin nào khiến chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ vài ba buổi học con cái chúng ta có thể thay đổi hoặc hình thành một thói quen tốt – thứ mà bản thân chúng ta có khi cả đời cũng không làm được? Một vài khóa học có thể hình thành kỹ năng sống hay chỉ là học các thủ thuật sống?
Không có một trung tâm giáo dục kỹ năng mềm nào tốt hơn gia đình. Cũng không có một khóa học nào có thể trang bị các kiến thức xử lý tình huống, độc lập, yêu thương, chia sẻ, sắp xếp thời gian…cho trẻ giỏi như chính các bậc cha mẹ. Hình thành kỹ năng sống là cả một quá trình dài, hình thành qua các trải nghiệm sống thực sự - chỉ có chính các bậc phụ huynh mới là người đồng hành tốt nhất cho con trẻ của mình trên chặng đường ấy.
Minh Minh