Theo tin tức từ Infonet, Lao Động, tại buổi họp báo chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào cho biết, tính đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng. Các điểm thi tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở nên đã tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, đồng thời không gây áp lực cho giao thông đi lại ở các thành phố lớn.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết dự kiến ngày 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm thi tới thí sinh.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ GD&ĐT không công bố đáp án các môn thi THPT Quốc gia 2019 ngay sau khi kết thúc thi, ông Mai Văn Trinh cho biết, mục tiêu đầu tiên, tối thượng của kỳ thi THPT Quốc gia phải nghiêm túc, an toàn, chính xác.
Do đó, để làm được việc này cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quản lý đến giải pháp về mặt kỹ thuật. Do đó, đối với công tác chấm thi tự luận, năm nay, sẽ thực hiện một số giải pháp, trong đó, khâu đánh, làm phách, thực hiện triệt để việc cách ly trong quá trình này.
Với khâu chấm thi sẽ thực hiện chấm 2 vòng độc lập, bốc thăm và trong khu vực chấm thi sẽ có camera an ninh.
Việc chấm kiểm tra môn tự luận sẽ có tối thiểu 5%, trong đó, tất cả những bài điểm cao của môn Ngữ văn ở Hội đồng thi sẽ được mang chấm kiểm tra lại và ngay cả việc nhập kết quả chấm môn Ngữ văn vào phần mềm cũng phải tiến hành nhập 2 phần độc lập. Sau đó, phần mềm đối sánh, không còn một lỗi gì mới chấp nhận đưa lên hệ thống.
"Nếu Hội đồng thi nào đó làm tắt, làm xong phần 1 sau đó, copy sang phần 2 thì phần mềm của chúng tôi trên này sẽ phát hiện được ngay. Tất cả các giải pháp đó sẽ giúp việc chấm thi môn tự luận tốt hơn", ông Trinh nói.
Cũng tại buổi họp này, ông Trinh cho hay, quy trình chấm thi trắc nghiệm đã quy định rất rõ và đặc biệt, với sự nâng cấp phần mềm theo hướng tăng cường bảo mật bằng cách mã hóa dữ liệu. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm của những năm vừa rồi, Bộ chưa công bố ngay đáp án sau khi kết thúc thi như mọi năm.
Trả lời câu hỏi của PV VOV về việc trong thời gian tới có giải pháp nào hiệu quả hơn để chống gian lận thi cử khi mà trong kỳ thi này có thí sinh lợi dụng việc cho phép mang thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhằm phát hiện tiêu cực nhưng lại truyền đề thi ra ngoài cho người giải hộ, ông Trinh cho hay sắp tới Bộ sẽ xem xét vấn đề này để những năm tới có nên cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thu vào phòng thi nữa hay không. Quy định đã nêu rõ là chỉ cho thí sinh mang thiết bị chỉ có chức năng ghi, chứ không có chức năng phát.
Tuy nhiên, vừa qua, trong buổi thi Văn ở Phú Thọ đã xảy ra tình trạng thí sinh chụp ảnh rồi đăng tải lên mạng xã hội nhờ người giải hộ. Lý giải vấn đề này, ông Trinh cho hay, việc kiểm soát thí sinh mang thiết bị vào phòng thi chỉ có chức năng thu sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong thời gian tới. Bộ cũng sẽ xem xét cân nhắc trong thời gian tới có nên cho thí sinh mang thiết bị có chức năng thu nhằm phát hiện tiêu cực nữa hay không.
Việc chống gian lận thi cử quan trọng là phải nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh để sao cho thí sinh không mang thiết bị vào phòng thi, phụ huynh không có việc làm gian lận trong thi cử.