Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay nghị định về xử phạt hành chính của Bộ GD&ĐT cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.
Theo tin tức từ Dân Trí, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GDĐT soạn thảo đang được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo bị phạt 10-20 triệu (điều 29); xâm phạm thân thể người học bị phạt 20-30 triệu đồng ( Điều 32 - xem chi tiết Dự thảo Nghị định tại đây ).
Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, có thể bị đình chỉ dạy từ 1-6 tháng.
Về những quy định này, những ngày qua nhiều giáo viên đã lên tiếng phản đối, cho rằng mức tiền như Điều 32 dự thảo nghị định là quá nặng, làm tăng áp lực lên nhà giáo...
Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. Ảnh Zing.vn |
Liên quan đến vụ việc này, chiều ngày 3/10, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT - trả lời báo chí về nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục. Trong đó, hai vấn đề được dư luận quan tâm là xử phạt giáo viên dạy, học thêm và giáo viên xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh.
Dẫn nguồn tin từ Lao Động, ông Bằng cho hay, nghị định về xử phạt hành chính của Bộ GD&ĐT, cũng như nhiều văn bản pháp luật khác, trước hết để các chủ thể liên quan giáo dục thấy việc không được làm. Nếu làm, người vi phạm sẽ có nguy cơ bị phạt. Mục đích để tránh, chứ không chỉ nhằm phạt nhiều.
Về việc giáo viên lo lắng bị phạt tiền, đại diện Thanh tra Bộ GDĐT giải thích: Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19.7.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì: “Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”.
Như vậy, nhà giáo nói chung không chịu sự chế tài của Nghị định này.
Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, thực tế, giáo viên đi dạy cũng không tránh khỏi việc nổi nóng, quát học sinh…hình thức vi phạm tới mức độ nào, phạt như thế nào đều phải xem xét một cách cụ thể.
Ông Nguyễn Huy Bằng nói thêm nghị định này rất quan trọng nhưng không phải là "cây gậy vạn năng" giải quyết mọi vấn đề, mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lý khác.
Nghị định cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.
Hà Trang (tổng hợp)