Dư luận vẫn đang xôn xao về việc Bộ giáo dục và Đào tạo không sửa đổi bổ sung gì về nội dung của Thông tư 30. Có phụ huynh còn bức xúc viết thư nói là do Thông tư 30 mà con tôi… lười học.
Thông tư 30 là Thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quyết định sẽ đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học thay cho việc chấm điểm truyền thống - một thời đã bị cho là gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
Tất nhiên, tranh luận là quyền cơ bản của mỗi công dân. Với các bậc phụ huynh, tranh luận về các Chính sách giáo dục còn cần thiết hơn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến con cái họ. Nhưng tranh luận thế nào, phản biện ra sao thì lại là việc mà không phải ai làm cũng được.
Thông tư 30 bị cho là gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. |
Có vị phụ huynh khi biết Bộ GD-ĐT không sửa đổi lại Thông tư 30 đã viết thế này trên mặt báo: “Các cụ bảo: “Thương cho roi cho vọt; Ghét cho ngọt cho bùi”, trẻ em được tự do, chiều chuộng quá sẽ sinh hư. Phải bắt buộc chúng lao động, học tập, phải sống có kỷ luật, nhiều cái không thích, không muốn vẫn phải làm, phải biết nghe lời”.
Xin không bình luận nhiều về những dòng này vì nó đơn giản là một phép ngụy biện, nó không có căn cứ gì rõ ràng. Các cụ bảo thì kệ các cụ chứ vì các cụ thì chắc gì đã đúng mà đem các cụ ra. Và nếu có thì nó cũng chỉ có thể đúng trong bối cảnh Nho giáo chứ không phải thời đại của thế giới phẳng như bây giờ.
Nhưng rất dễ thấy là ở Việt Nam thì cái gì người ta cũng có thể chê, cũng có thể đưa ra ý kiến. Mà những ý kiến ấy thì chúng ta biết rồi, phần nhiều trong số ấy là vô lý và ngụy biện như thế kia. Nó có thể không làm chết người, nhưng nó làm vấn đề rối tung lên một cách không cần thiết. Những độc giả không tỉnh táo sẽ bị lạc trong một rừng thông tin. Và đọc qua thì thấy ý kiến nào cũng có vẻ đúng. Rất đặc trưng cho kiểu "lắm thầy thì thối ma".
Những ông chồng thi thoảng áp dụng một cách thế này với các bà vợ. Khi thấy vợ đang nấu ăn, thì lao vào bếp và chỉ đạo theo kiểu “Em cần phải cho lửa vừa phải thôi, lửa to quá thì thịt sẽ bị nát, nhỏ quá thì không chín được. Đấy, cả rau nữa, em cho vào luôn đi, nấu canh cải thì phải cho vào sớm chứ!”. Khi mà vợ tức điên lên thì ông chồng nhẹ nhàng nói rằng “Anh chỉ muốn em hiểu cảm giác của anh khi lái xe mà em cứ chỉ đạo phải lái thế này hay thế khác thôi!”.
Cứ hình dung, Bộ đang lèo lái con tàu giáo dục ra biển lớn mà bên cạnh có cả ngàn ông cứ chỉ đạo phải lái thế này thế kia thì chắc tức lắm. Với cương vị người cầm lái, nói xin lỗi, chắc là chỉ muốn đánh đắm cả tàu đi cho rồi.
Bởi vì về nguyên tắc, Bộ GD-ĐT là nơi có chức năng, có chuyên gia, có cả những kinh nghiệm về giáo dục hơn ai hết. Bộ phải là nơi có tư cách nhất để bàn về vấn đề này. Bởi thế, nếu Bộ cần tham khảo ý kiến thì hãy đóng góp. Bộ đã quyết thì đừng nói ra nói vào. Chúng ta đang cần những góp ý mang tính xây dựng chứ không phải luôn là sự chỉ trích, gièm pha.
Không đổi mới thì các vị bảo là lạc hậu, bảo thủ, đổi mới thì các vị lại gầm lên là thay đổi liên tục, con các vị không theo kịp. Chương trình đầy đủ kiến thức thì các vị bảo là nặng quá, chương trình giảm tải thì các vị lại bảo là lớn lên nó không biết gì. Chấm điểm thì các vị bảo là ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ, không chấm nữa thì các vị lại bảo là vì thế mà nó lười.
Thôi! Thôi! Xin cảm ơn, các vị cũng có ý tốt đấy.
Nhưng thôi! Thôi!
Xin can các vị!
Làm cách nào thì cũng chả vừa ý các vị.
Mà Bộ Giáo dục - Đào tạo thì không thể “đẽo cày giữa đường”!
Nguyễn Vương