Ngày 20/9/2019, bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế tại điểm cầu Trung ương Trung tâm Hội nghị quốc tế số 35 Hùng Vương, Hà Nội và 62 điểm cầu tại UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiện lợi nhiều mặt
Ngành y tế đánh giá, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích. Bởi lẽ, khi mang theo tiền mặt khi đi khám, chữa bệnh vừa mất thời gian chờ đợi, vừa đối mặt với nguy cơ bị móc túi, trộm cắp. Với hình thức thanh toán điện tử, bệnh nhân – người nhà bệnh nhân chỉ cần thao tác quẹt thẻ đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược.
Theo Bộ trưởng Y tế, đây chính là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ trong ngành y tế: "Thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt; đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi; cho phép người dân tiếp cận và thanh toán không chỉ trong nước mà ngay cả với thị trường toàn cầu".
"Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, vận dụng mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, được thị trường đón nhận tích cực với hàng chục triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ”, Bộ trưởng Y tế cho biết thêm.
Thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp; kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.
“Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, ngành y tế sẽ quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
“Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị; bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: Thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử”, Bộ trưởng cho hay.
Còn đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.
Cùng đó, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí.