Thất nghiệp trong thanh niên là một trong những nhóm vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH. Tại phiên giải trình chiều nay (5/6), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đưa ra 5 nhóm giải pháp.
Bộ trưởng Dung cho biết số lượng thất nghiệp trong thanh niên hiện duy trì trong khoảng 200.000 nghìn người. Nếu so sánh với lượng lao động không có việc làm ở châu Á hay toàn cầu là vẫn thấp hơn. Bộ trưởng bày tỏ rằng không nên quá lo lắng.
Điều khiến ông Dung băn khoăn là chất lượng việc làm cũng như chất lượng nguồn nhân lực.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Dung đưa ra 5 giải pháp. Thứ nhất, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào Nghị quyết Trung ương 5, theo đó, phát triển doanh nghiệp, thị trường, tạo ra nhiều việc làm mới.
Thứ hai là phải nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, lấy đó làm cơ sở để đào tạo, cung ứng nhân lực. Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu không làm tốt công tác này, các cơ sở giáo dục sẽ đưa ra thị trường những thứ mà mình có, không phải thứ thị trường cần.
Thứ ba là tập trung đồng bộ, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục đào tạo, các cơ sở dạy nghề...
Thứ tư là xây dựng, phát triển, thực hiện đề án hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, khởi sự.
Thứ năm là vận động thanh niên tự tìm kiếm cơ hội việc làm, không coi đại học là con đường duy nhất trong việc lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng làm rõ quan điểm là vẫn khuyến khích thanh niên học cao lên, nhưng việc vào đại học không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng hơn là tìm được việc làm phù hợp.
Với 5 nhóm giải pháp này, nhiều đại biểu vẫn chưa hài lòng. Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) chất vấn Bộ trưởng về việc trách nhiệm thuộc về ai.
"Nếu nói đến quản lý nhà nước về vấn đề nhân lực thì Bộ LĐTB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ", Bộ trưởng Dung nói.
Giải trình thêm, ông Dung cho biết Bộ đã tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai 2 đề án, gồm đào tạo nghệ thích ứng với công nghiệp 4.0 và đề án liên quan đến dự báo cung cầu thị trường lao động.
Ở đề án thứ 2 về dự báo cung cầu, Bộ trưởng nhấn mạnh các nước đi phát triển đều làm mạnh vấn đề này. Họ có dự báo tận 50 năm, 20 năm hay 10 năm. Theo đó, cứ 3 năm lại điều chỉnh dài hạn, 1 năm điều chỉnh trung hạn...
"Nếu không làm tốt được việc này, chúng ta sẽ vừa đi vừa dò đường", Bộ trưởng Dung nói.
N.Dương
Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ