Hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vừa được kiểm tra lại. Kết quả cho thấy bộ trưởng có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, như vậy là thừa đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Thanh Hải |
Ngày 27/2, trao đổi với báo chí về trường hợp của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dư luận quan tâm việc bà tập trung cho thời gian quản lý, không tham gia giảng dạy, tại sao lại được xét duyệt hồ sơ giáo sư? Hồ sơ xét duyệt chức danh giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có đủ tiêu chuẩn?
Trên Tri thức trực tuyến dẫn lời Giáo sư (GS) Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, cho biết hội đồng này đã kết thúc đợt rà soát kéo dài 10 ngày với sự giám sát của Thanh tra Bộ GD&ĐT. Những hồ sơ ứng viên được rà soát đợt này là đối tượng bị khiếu nại, đối tượng thanh tra phản biện, đối tượng là giảng viên kiêm nhiệm các đơn vị quản lý, bộ trưởng, thứ trưởng… Theo đó, 19 hồ sơ ứng viên đã được rà soát và kết quả cho thấy cả 19 ứng viên đều đủ tiêu chuẩn.
Trả lời thắc mắc về trường hợp của Bộ trưởng Y tế Kim Tiến, GS Phạm Gia Khánh cho biết, bà Tiến thừa điểm xét duyệt hồ sơ giáo sư. Theo GS Phạm Gia Khánh, về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà tham gia giảng dạy tại ĐH Y dược TP HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bộ trưởng Kim Tiến cũng có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.
Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.
Báo Người lao động dẫn lời GS Phạm Gia Khánh cho biết thêm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford, Anh. Lần đầu Bộ trưởng Tiến được ĐH Oxford trao chức danh giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm vào tháng 10/2013. Lúc đó, bà là người Việt Nam đầu tiên được nhận chức danh này từ ngôi trường nổi tiếng thế giới.
Lần thứ hai, nữ Bộ trưởng được Đại sứ quán Vương quốc Anh trao chức danh giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford là ngày 10/3/2017, trong giai đoạn từ 2016-2021.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến còn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp. Tuy nhiên, theo GS Khánh, 2 yếu tố quốc tế này không được xét điểm trực tiếp cộng vào hồ sơ của bà Tiến, chỉ làm tăng uy tín cho bộ trưởng.
Bên cạnh đó, bà Tiến còn được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế - nói giới học thuật trên thế giới đã ghi nhận với những quy định khắt khe hơn ở Việt Nam, vậy không lẽ gì bộ trưởng lại không được công nhận giáo sư?
Theo ông Trường, nói nghiên cứu, giảng dạy của Bộ trưởng Tiến ảnh hưởng thời gian quản lý là không đúng, vì bà cũng là nhà khoa học.
Khi được hỏi: “Bộ trưởng làm quản lý thì không có thời gian nghiên cứu, giảng dạy để đạt đủ số thời gian lên lớp?”, ông Xuân Trường trả lời bộ trưởng vẫn đi dạy và giảng bài ở các trường đại học, cơ sở y tế. Đó là những kiến thức không có trong trường mà thực tế của toàn ngành.
Cũng theo ông Trường, 2 việc làm quản lý và nghiên cứu hỗ trợ cho nhau tốt hơn trong việc truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.
Trước đó, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn năm 2017 với số lượng tăng đột biến, dư luận lo ngại chất lượng phó giáo sư, giáo sư không đảm bảo, với "chuyến tàu vét" trước khi quy định 174 hết hiệu lực.
Đức Hòa (tổng hợp)